Chủ động phòng chống đuối nước khi trẻ em nghỉ hè

Mặc dù mới vào hè, nhưng tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. Điều đáng buồn là, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể cũng đã quan tâm, đưa ra các giải pháp hạn chế, ngăn chặn, song số vụ đuối nước hàng năm giảm không nhiều và không bền vững, trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh với nhiều gia đình ở cả nông thôn và thành thị.

Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Hiện đã sắp vào đợt nghỉ hè của học sinh các cấp học, đặc biệt sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu được vui chơi của trẻ em càng tăng lên, nhất là niềm vui được bơi lội, tắm mát khi thời tiết nắng nóng. Không có điều kiện tới bể bơi, nhiều trẻ em chọn ao, hồ, sông, ngòi, đầm, bãi... làm giải pháp thay thế. Không có sự giám sát của cha mẹ và người lớn, các em phải đối mặt với nguy cơ đuối nước rất cao...

Thành phố Ninh Bình mặc dù không có nhiều sông, hồ, diện tích mặt nước rộng như các địa phương khác, nhưng năm nào cũng có vài vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Nhất là vào dịp nghỉ hè, trẻ em bậc THCS, THPT thường rủ nhau theo nhóm đến các ao, hồ, sông để bơi lội, tắm mát. Nhiều trường hợp gặp đuối nước, nhưng các bạn đi cùng không có kiến thức, kỹ năng, không biết cách cứu bạn, khi gọi được người lớn đến cứu thì đã không kịp. Những vụ tai nạn đuối nước rất đáng tiếc, không chỉ cướp đi sinh mạng của các nạn nhân nhỏ tuổi mà còn để lại hậu quả nặng nề cho gia đình mất con, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội...

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng vài chục trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu bơi lội, tắm mát của trẻ em tăng cao. Nạn nhân hầu hết là các em trai, trong độ tuổi dưới 15 tuổi. Vào dịp nghỉ hè, khi nhà trường không quản lý, cha mẹ bận công việc, các em thường rủ nhau ra sông, hồ, ao, đập tắm, nô đùa hoặc kéo nhau cùng nhảy, rất dễ xảy ra những vụ đuối nước đau lòng.

Hàng năm, để giảm thiểu các vụ đuối nước vào mùa hè, các cơ quan, đơn vị như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục, Tỉnh Đoàn.... đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước cho học sinh, gia đình và xã hội; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích, tạo điều kiện để các em học bơi, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước... Nhưng, thực tế cho thấy, các hoạt động và những cách làm này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, số vụ tai nạn đuối nước vẫn còn diễn ra hoặc có giảm cũng chưa bền vững.

Trước thực tế đó, việc trang bị các kỹ năng cần thiết cho trẻ em, để các em có thể tự bảo vệ mình và bạn bè, chủ động phòng chống đuối nước cho mình và các bạn có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Hiện các đoàn thể, tổ chức, các nhà trường đã và đang chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức các chương trình ngoại khóa, tuyên truyền, thực hành, hướng dẫn về bơi lội, cấp cứu, xử trí các tình huống phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Theo cô giáo Vũ Ngọc Kim Anh, Tổng phụ trách, Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình): Chúng tôi xác định, dù có nói nhiều, nói đi nói lại một chủ đề cũng là cách để các em 1 lần thì chưa nhớ, nhưng vài lần thì nhớ và thực hiện theo. Hàng năm, khi có dịp là nhà trường phối hợp tổ chức tập huấn các chuyên đề kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng về phòng chống đuối nước, giúp các em có những kiến thức cần thiết, quan trọng để bảo vệ mình và hỗ trợ các bạn khi cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Em Trần Minh Tuấn, học sinh lớp 8B, Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Em đã được học bơi từ mấy năm trước, hiện cũng đã bơi thuần thục một số kiểu bơi. Tuy nhiên, những buổi tập huấn về phòng chống đuối nước được nhà trường tổ chức, em thấy rất ý nghĩa và lắng nghe đầy đủ. Bởi trong đó là các tình huống giả định nhưng rất dễ gặp trong thực tế bơi lội, được huấn luyện viên đưa ra, giúp em có thêm kiến thức về phòng, tránh đuối nước cũng như cách xử lý khi chính mình hoặc bạn bè rơi xuống nước...

Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề cung cấp kiến thức cơ bản về môn bơi lội, các kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh.

Ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh cho biết: Để chung tay hạn chế số vụ tai nạn đuối nước, nhất là khi học sinh sắp nghỉ hè, từ ngày 15/5, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh đã phối hợp với Huyện đoàn, Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố tổ chức chuyên đề tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tại các chương trình, huấn luyện viên dạy môn bơi lội của Trung tâm cung cấp các kiến thức cơ bản về môn bơi lội, các kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em. Đồng thời, đại diện học sinh được tham gia các trò chơi và trả lời các câu hỏi khi diễn ra các tình huống bản thân và bạn bè gặp nạn, cách sơ, cấp cứu khi xảy ra tai nạn thương tích đuối nước...

"Mục đích của chúng tôi là, thông qua tổ chức các chuyên đề như thế này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, cùng cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước. Đồng thời trang bị những hiểu biết và kiến thức, kỹ năng cơ bản để trẻ có thể vận dụng trong những tình huống thực tế, nhất là đối với học sinh, trẻ em sinh sống ở các xã vùng lũ, xả lũ, nguy cơ cao khi có nhiều ao hồ, sông ngòi và thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt xảy ra..." - ông Đàm Văn Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để hạn chế và không xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, mỗi phụ huynh cần trang bị đầy đủ cho con em mình các kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu đuối nước. Đồng thời, kỹ năng bơi lội phải được phổ cập, trở thành môn học bắt buộc cũng như các chương trình ngoại khóa trong nhà trường. Có như vậy mới hạn chế và không xảy ra những vụ việc đau lòng, đáng tiếc vẫn xảy ra vào mỗi mùa hè...

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-phong-chong-duoi-nuoc-khi-tre-em-nghi-he/d20220518132741431.htm