Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue
Thanh Hóa là địa phương có muỗi Aedes trong nhiều năm nay tại các ổ bệnh cũ như: xã Hải Thanh, Hải Bình (huyện Tĩnh Gia); xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa); xã Thành Kim (H. Thạch Thành)... Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa, lũ là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển.
Thanh Hóa là địa phương có muỗi Aedes trong nhiều năm nay tại các ổ bệnh cũ như: xã Hải Thanh, Hải Bình (huyện Tĩnh Gia); xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa); xã Thành Kim (H. Thạch Thành)... Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa, lũ là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển.
Tính đến đầu tháng 9-2019, tại Thanh Hóa đã ghi nhận 256 ca bệnh sốt xuất huyết tại 172 xã/24 huyện có bệnh nhân, trong đó có 50 ca tại tỉnh, 206 ca mắc ngoại lai về địa phương điều trị.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu mùa mưa bão, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 71 lượt điều tra, giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại 32 xã nguy cơ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các xã nguy cơ cao, xã có ổ bệnh cũ. Hoạt động vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên theo quy mô nhỏ, định kỳ hàng tuần với những xã nguy cơ cao, 2 tuần/lần với những xã có chỉ số muỗi, bọ gậy cao và 1 tháng/lần với các xã còn lại. Hiện có 2.460 lượt xã, phường, thị trấn (thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh) thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy với sự tham gia của hơn 1 triệu lượt hộ gia đình; có 40.753 hộ/tổng số 44.925 hộ được phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, do phun hóa chất chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại thời điểm phun thuốc nên ngành Y tế khuyến cáo người dân cần làm tốt công tác vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, đậy kín hoặc thả cá vào các vật dụng chứa nước gia đình sử dụng, không tạo môi trường cho muỗi, loăng quăng, bọ gậy phát triển để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cũng huy động cao nhất lực lượng, phương tiện, đồng loạt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thành lập đội chống dịch cơ động, duy trì các hoạt động giám sát ca bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc-tơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch… kịp thời phát hiện các ca bệnh mới, khoanh vùng, xử lý, không để lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa Lương Ngọc Trương cho biết: Ngành y tế Thanh Hóa nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue là đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân hiểu rõ và thực hiện khẩu hiệu "Không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết". Ngành cũng tăng cường công tác giám sát trong xử lý dịch bệnh cũng như xử lý các vùng nguy cơ cao; cùng với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, triệt để các ổ bệnh nhỏ; xác định vùng nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lan rộng.
Ngành Y tế Thanh Hóa đã có công văn gửi các đơn vị y tế trong tỉnh về việc triển khai, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh, nhất là trong các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ để kịp thời phát hiện, xử lý các diễn biến nặng lên ở người bệnh.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_212309_chu-dong-phong-chong-sot-xuat-huyet-dengue.aspx