Chủ động phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Phụ huynh nên cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước. Ảnh: HOÀNG LÊ

Từ đầu năm đến nay, nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn đuối nước (TNĐN) thương tâm đã xảy ra trên cả nước. Để chủ động phòng, chống các vụ tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em, đặc biệt là các vụ TNĐN khi mùa hè đang cận kề, cần có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em tử vong do TNĐN. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Những trường hợp TNĐN đau lòng

Vừa qua, tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có vụ đuối nước làm 3 học sinh lớp 5 tử vong. Sự việc xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 22/3, sau khi ăn cơm, 3 em nhỏ học cùng lớp rủ nhau đi chơi. Đến 18 giờ 40 cùng ngày, người dân phát hiện có xe đạp vàmột số đồ dùng cá nhân trên bờ tại khu vực đập thủy lợi Ia Băng (xã Hòa Bình). Nghĩ điều chẳng lành, người đàn ông này đi vòng quanh đập thủy lợi và vô cùng bàng hoàng khi phát hiện cả ba em nhỏ đã tử vong do đuối nước.

Trước đó, tại huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), 2 em nhỏ cũng tử vong thương tâm do đuối nước dưới chân cột điện đang thi công. Theo người dân địa phương, hố chôn cột điện nơi 2 cháu bé gặp nạn khá rộng, sâu nhưng không có biển báo, rào chắn cảnh báo nguy hiểm khi hạng mục công trình này đang thi công dang dở.

Tại Phú Yên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, năm 2020, toàn tỉnh có 3 trường hợp do đuối nước, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Còn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trường hợp trẻ em đuối nước ở TX Đông Hòa.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Hàng năm, công tác phòng, chống TNTT, TNĐN trẻ em được duy trì thường xuyên, nhất là trong dịp hè. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truyền thông về phòng chống TNĐN trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về kỹ năng phòng chống TNĐN trẻ em tại các địa phương; tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em miễn phí tại cộng đồng…

Tuy nhiên, nhận thức của người dân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn hạn chế; nhiều địa phương vẫn còn khu vực nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu sự giám sát, nhắc nhở của người lớn… Vì vậy, nguy cơ tử vong ở trẻ em do đuối nước còn khá cao.

Đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tỉ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (15,8% xảy ra tại gia đình, 6,6% tại nơi khác) và thường rơi vào những tháng học sinh nghỉ hè.

BàPhạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Hầu hết các vụ TNTT trẻ em, trong đó có TNĐN chủ yếu là do khách quan. Một số trường hợp trẻ em bị đuối nước do yếu tố môi trường sống chưa được an toàn và sự lơ là của người lớn cũng như sự hiếu động của chính bản thân trẻ em dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Mặt khác, TNĐN còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế cũng có những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình.

Trước thực trạng trên, để phòng chống TNĐN, trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống TNTT, đặc biệt làđuối nước cho trẻ em. Theo đó, hàng năm, tỉnh tổ chức các cuộc thi bơi; phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em ở địa phương. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng chống TNĐN.

Theo thầy Lê Văn Minh, hướng dẫn dạy bơi tại hồ Yết Kiêu, đặt tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa), phụ huynh nên trang bị kỹ năng bơi cho con càng sớm càng tốt. Khi trẻ biết bơi, không những nguy cơ đuối nước giảm đi đáng kể mà nếu được dạy những thao tác cứu đuối bài bản, đúng kỹ thuật, một đứa trẻ biết bơi còn có thể hỗ trợ bạn trong những trường hợp khẩn cấp. “Tuy nhiên, kể cả khi con biết bơi thì phụ huynh cũng không nên lơ là việc quản lý, giám sát để bảo vệ trẻ trước nguy cơ đuối nước, đặc biệt là khi mùa hè đang đến gần”, thầy Minh nói.

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm: Mùa hè 2021 sắp đến cùng với dự báo về những đợt nắng nóng kéo dài. Ở nhiều vùng quê, mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ TNĐN ở trẻ em nhưng nhiều người dân vẫn mang tâm lý chủ quan, coi thường.

Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền; tăng cường giám sát, cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ đuối nước. Sở LĐ-TB-XH tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức trong nhân dân, gia đình, nhà trường về kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Đồng thời tiếp tục tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại cộng đồng, vận động phụ huynh gia đình trẻ em đưa trẻ tập bơi, nhằm góp phần hạn chế TNĐN trẻ em.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/254329/chu-dong-phong-chong-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em.html