Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tình hình thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường. Bước vào mùa mưa bão năm nay, các địa phương, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nhằm chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Vũ Thanh Long, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, thông tin: Năm nay, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, từ tháng 6 đến tháng 8 bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động mạnh ở phía bắc Biển Đông; xuất hiện lũ vừa lũ lớn, đỉnh lũ các sông, suối từ báo động 2 đến báo động 3; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.

Thi công kè phòng chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội thị trấn Thuận Châu.

Thi công kè phòng chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội thị trấn Thuận Châu.

Trước mùa mưa lũ hàng năm, tỉnh ta đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lĩnh vực ngành. Rà soát các điểm dân cư, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng tránh thiên tai, thực hiện di chuyển dân đến nơi an toàn kết hợp giữa phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Những năm gần đây, hệ thống các công trình thủy lợi được tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Trong 5 năm (2016-2020), đã đầu tư nâng cấp sửa chữa 14 đập, hồ chứa cấp bách, xung yếu. Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn trước, trong và sau mùa mưa lũ. Qua đánh giá 107 hồ chứa, có 11 hồ chứa xung yếu, đã bố trí kinh phí nâng cấp sửa chữa 3 hồ chứa; ban hành 11 quy trình vận hành hồ chứa thủy điện... Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kè bảo vệ sông, suối và các điểm bị sạt sụt; nạo vét, khơi thông làm thông thoáng dòng chảy các khu vực có nguy cơ bị ngập úng.

Tại huyện Thuận Châu, các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình kè phòng chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội tại thị trấn Thuận Châu. Theo ông Phạm Văn Lâm, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư, xây dựng huyện, cho biết: Công trình được xây dựng cuối năm 2020, giai đoạn 1, xây dựng các kè bê tông xi măng 804 m; nạo vét lòng suối rộng 18 m và các cống thoát nước, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Đến nay, đã thực hiện hoàn thành khoảng 85% khối lượng. Các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy, để mùa mưa đang đến gần không ảnh hưởng khu vực người dân sinh sống, phấn đấu vượt tiến độ dự án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã rà soát các khu vực đầu nguồn các lưu vực sông, suối có độ dốc lớn, mưa lớn dẫn đến đất dễ xói mòn, sạt lở gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động, nâng tổng số trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh lên 64 trạm do Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc và các nhà máy thủy điện đóng trên địa bàn tỉnh quản lý, tăng cường cung cấp dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Riêng năm 2020, đã cắm thêm 104 biển cảnh báo các địa điểm có nguy cơ cao rủi ro thiên tai tại khu vực dễ bị ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực sụt lún, sạt lở bờ sông, suối... góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ.

Với mục tiêu ứng phó kịp thời với thiên tai, mưa lũ có thể xảy ra, giảm thiệt hại thấp nhất và bảo đảm tính mạng của nhân dân, các địa phương, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân chủ động ứng phó với thiên tai bão lũ; xây dựng các phương án phòng chống bão lũ cụ thể phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” và công tác tìm kiếm cứu nạn; củng cố, duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, sẵn sàng huy động lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-39820