Chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Tháng 3, 4 thường là cao điểm phát sinh sâu, bệnh hại lúa xuân. Do vậy, các địa phương và bà con nông dân cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các loại sâu bệnh, diệt trừ tận gốc không để lây lan trên diện rộng.

Vụ xuân 2020, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 19.216,5 ha lúa xuân, đạt trên 103% kế hoạch. Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, lúa xuân đang trong thời kỳ sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh rộ, tuy nhiên thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao, số giờ nắng ít, nấm, khuẩn phát sinh gây bệnh đạo ôn lá. Cùng với đó, bệnh nghẹt rễ, vàng sinh lý, ruồi đục nõn, bọ trĩ và chuột gây hại bắt đầu xuất hiện…

Chị Lý Thị Hoa, thôn Đồng Trôi, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) phun thuốc phòng trừ bệnh hại lúa xuân.

Chị Lý Thị Hoa, thôn Đồng Trôi, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) phun thuốc phòng trừ bệnh hại lúa xuân.

Để kiểm soát, diệt trừ tận gốc dịch hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản đề nghị các phòng chuyên môn tại các huyện, thành phố phân công cán bộ khuyến nông bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc kịp thời, bón phân cân đối N-P-K, bón đạm theo nhu cầu của lúa, tuyệt đối không được bón nhiều hoặc bón quá muộn. Những ruộng bị đạo ôn lá dừng ngay việc bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, giữ mực nước ổn định, tránh để ruộng khô. Riêng đối với nạn chuột, nông dân cần cắt cỏ, vệ sinh bờ bao, tìm và phá ổ chuột để hạn chế nơi trú ngụ; sử dụng bẫy, bả sinh học diệt chuột. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, bà con cần thực hiện đúng nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng”. Tuyệt đối không pha trộn các loại thuốc vào 1 bình để phun trừ, gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Nếu sâu, bệnh hại xuất hiện ở phạm vi hẹp nên sử dụng các biện pháp thủ công bắt, diệt.

Hơn 4.000 ha lúa xuân trà chính vụ của huyện Sơn Dương đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ, lúa xanh mơn mởn. Ông Vũ Đình Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, qua kiểm tra trên một số cánh đồng các xã Thượng Ấm, Tam Đa, Thiện Kế, Ninh Lai… bệnh vàng lá, đạo ôn lá đã xuất hiện. Dù mới gây hại rải rác ở một số chòm lúa nhưng năm nay sâu, bệnh xuất hiện sớm hơn mọi năm, không theo chu kỳ. Trung tâm yêu cầu đội ngũ cán bộ khuyến nông phụ trách xã hướng dẫn bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, trừ.

Chị Đàm Thị Tuyết, thôn Đồng Trôi, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) chia sẻ, ngay khi có thông báo của xã, chị đã kiểm tra đồng ruộng, mua thuốc theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông phun trừ. 3 ngày sau khi phun, chị Tuyết thăm lại đồng, bệnh giảm rõ rệt, lúa hồi xanh trở lại. Theo chị Tuyết, phun trừ được sớm mầm bệnh không bị lây lan, chi phí giảm.

Trên địa bàn huyện Yên Sơn, bà con nông dân cũng chủ động bám ruộng, bám đồng và triển khai các biện pháp khống chế ngay khi phát hiện sâu, bệnh hại. Bà Nguyễn Thị Việt, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) cho biết, sâu, bệnh hại mới xuất hiện ở phạm vi hẹp nên bà cắt hết những lá lúa bị nhiễm bệnh để xử lý. Theo bà Việt, phát hiện, diệt trừ sớm, sâu, bệnh được diệt ngay ở dạng mầm mống nên không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa non. Đặc biệt, áp dụng biện pháp thủ công đã giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường, sức khỏe được đảm bảo.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, từ nay đến cuối vụ, nhiều loại sâu bệnh hại tiếp tục xuất hiện, trong đó nguy hại nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng… Bà con cần theo dõi, chủ động các biện pháp phòng trừ sớm bảo đảm vụ xuân bội thu.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua-xuan-129900.html