Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng

Hiện nay, nông dân huyện Thuận Châu đang canh tác 4.600 ha sắn, 5.000 ha ngô; chăm sóc hơn 1.300 ha chè và 6.480 ha cà phê... Đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên cây cà phê.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên cây cà phê.

Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thông tin: Từ đầu mùa vụ đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, 3, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày, là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại cây trồng. Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn điều tra sinh vật hại đối với các cây trồng chính và điều tra bổ sung trên lúa mùa.

Trên cây trồng, tại xã Chiềng Pha, 60 ha cây cà phê giai đoạn chắc hạt, xuất hiện sâu đục thân, mọt đục quả, bệnh rệp sáp, thán thư, chùn ngọn, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 4 đến 18% cành, quả. Ngoài ra, bệnh chấm xám, bọ xít muỗi gây hại trên cây chè tại xã Phổng Lái; vi khuẩn gây bệnh đốm nâu, thối thân trên cây ngô giai đoạn thu hoạch, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2 đến 40% cây tại xã Bó Mười, Liệp Tè...

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã thực hiện công tác phòng trừ sinh vật hại đến ngưỡng hơn 125 ha. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các xã theo dõi và dự báo quy mô, mức độ của từng sinh vật hại. Hướng dẫn nông dân trao đổi thông tin về tình hình dịch hại với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn để cung ứng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng.

Đối với bệnh đốm nâu, thối thân vi khuẩn trên cây ngô, Trung tâm hướng dẫn nông dân chủ động phun thuốc phòng trừ bằng cách sử dụng luân phiên một số loại thuốc hóa học, như Amtech 100EW, Kozuma 3SL, Tigon Diamond 800WP, Benita 250WP... Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và loại bỏ các cây bệnh, lá bệnh để hạn chế sự lây lan của bệnh; tránh để ruộng ngô quá ẩm hoặc quá khô, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Sau khi thu hoạch, cần thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh để giảm nguồn lây nhiễm cho vụ sau.

Đối với cây công nghiệp bị nhiễm sâu bệnh, hướng dẫn nhân dân tỉa cành tạo tán, chăm sóc, làm cỏ, bón phân cân đối tạo điều kiện cho cây phát triển tốt. Đối với các loại sâu bệnh đục thân, mọt đục quả trên cây công nghiệp, xử lý những cây bị héo, gẫy để thu gom tiêu hủy, tránh sâu phát sinh lây lan sang gây hại cho cây khác. Trong trường hợp đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách và bảo đảm thời gian cách ly.

Hiện nay, có 12 ha chè của các bản Kiến Xương, Quỳnh Tiên Hưng, Đông Quan, Mường Chiên, Nậm Giắt, xã Phổng Lái xuất hiện bọ xít muỗi và bệnh chấm xám, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2,2 đến 4% búp, lá. Ông Lò Văn Xuân, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã, cho biết: Chúng tôi đã hướng dẫn bà con sử dụng thuốc có hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate, như Trebon 10EC, Dylan 2EC, Map Winner 5WG/10WG, Eska 250EC để phun loại trừ. Đồng thời, khuyến cáo bà con hái chè thường xuyên, chú ý hái toàn bộ các búp bị hại để loại bỏ trứng bọ xít muỗi. Đồng thời, chủ động bón phân, diệt cỏ dại, tạo độ thông thoáng để cây chè nhanh chóng ra chồi mới. Đến nay, diện tích chè nhiễm bệnh tại các bản đã cơ bản được loại trừ.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cà phê, bà Quàng Thị Thuông, bản Sẳng Sang, xã Muổi Nọi, nắm khá rõ chu kỳ phát sinh của các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Thời điểm này, cà phê đang giai đoạn chín, qua kiểm tra, bà phát hiện trên diện tích cà phê của gia đình xuất hiện rệp sáp gây hại.

Bà Thuông chia sẻ: Tôi đã thu gom các cành, lá bị rệp hại đem tiêu hủy, vì đây là nguồn để rệp tiếp tục phát tán gây hại cho cây. Đồng thời, phá vỡ nơi cư trú một số loài kiến sống cộng sinh với rệp sáp. Ngoài ra, sử dụng thêm các loại phân vi lượng để cải tạo đất, tăng cường sức đề kháng bệnh cho cây, tăng năng suất và chất lượng quả cà phê.

Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường, là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển, gây hại. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-tren-cay-trong-f6cSYviNg.html