Chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số tử vong tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa Đông-Xuân là cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella… Đặc biệt, về bệnh sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250.000 trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong.

Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông-Xuân bởi thời điểm trên là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục Trưởng Phụ trách quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Trên cả nước đã có 250.000 ca mắc sốt xuất huyết.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục Trưởng Phụ trách quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Trên cả nước đã có 250.000 ca mắc sốt xuất huyết.

Phát biểu tại Hội nghị Tăng cường công tác Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân và Triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: Năm 2019 ngành y tế đã thực hiện chủ động và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh-nhất là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số tử vong tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

“Trọng tâm công tác tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Đồng thời thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người dân cần tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thông tin về những kết quả ngành y tế đạt được trong năm 2019, trong đó một số chỉ tiêu đạt vượt, bao gồm: Số giường bệnh trên vạn dân, ước đạt 27,5 (giao 27); tỷ lệ bao phủ BHYT giao 88,1%, 10 tháng năm 2019 đạt 89,9% dân số. Ước thực hiện 11 chỉ tiêu cơ bản ngành y tế.

Năm 2019, ngành y tế tiếp tục triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ của các Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số. Phòng chống dịch bệnh chủ động, không để dịch lớn xảy ra. Các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được tăng cường. Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình, đang triển khai nhân rộng trên toàn quốc, nhiều tỉnh, TP đã thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số…

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chu-dong-quyet-liet-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-benh-170692.html