Chủ động sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025

Theo dự báo của ngành chức năng, vụ Đông Xuân (ĐX) 2024-2025, tình hình sâu, bệnh gây hại và khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp các địa phương trong tỉnh xây dựng nhiều giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm sản xuất vụ ĐX thắng lợi.

Công tác kiểm tra các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân được tập trung thực hiện

Công tác kiểm tra các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân được tập trung thực hiện

Sâu, bệnh gây hại và khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tình hình sinh vật gây hại trên các trà lúa Hè Thu và Thu Đông diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng diện tích nhiễm. Trong đó, các đối tượng như ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá,... gia tăng diện tích nhiễm trên các trà lúa Thu Đông ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Cụ thể, 1.254ha nhiễm ốc bươu vàng, tăng 496ha so với tuần trước, trong đó, mật độ từ 2-4 con/m2 là 154ha, từ 4-6 con/m2 là 1.100ha; tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn mạ ở các huyện: Tân Trụ, Đức Hòa, Mộc Hóa, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn lá (92ha), chuột (50ha), rầy nâu (15ha) và bệnh cháy bìa lá (19ha),... gây hại trên trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh chủ yếu ở huyện Đức Hòa, Mộc Hóa và Tân Hưng.

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh, các loại sâu, bệnh trên lúa có khả năng tiếp tục lây lan và gây hại trên lúa trong vụ ĐX 2024-2025. Vì vậy, để hạn chế sâu, bệnh gây hại trên lúa ĐX 2024-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế cỏ dại, lúa chét, cày vùi rơm rạ tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan; san phẳng mặt ruộng để hạn chế cỏ dại, ốc bươu vàng; tổ chức phát động các đợt diệt chuột, ốc bươu vàng; thực hiện nghiêm túc việc gieo sạ tập trung từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy theo bản đồ quy hoạch vùng gieo sạ của huyện, xã, không gieo sạ tự phát, phân tán.

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thường xuyên cùng nông dân thăm đồng

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thường xuyên cùng nông dân thăm đồng

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 9 đến tháng 11/2024, khả năng La Nina được thiết lập có xác suất khoảng 66%. Tổng lượng mưa trong tháng 9 và tháng 10/2024 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN); tháng 11 xấp xỉ TBNN và từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025 xấp xỉ và thấp hơn TBNN; đồng thời, nhiệt độ trong khoảng từ tháng 9/2024 đến tháng 02/2025 cũng xấp xỉ và cao hơn TBNN.

Về lượng mưa, từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025, tổng lượng mưa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh phổ biến xấp xỉ TBNN. Những tháng mùa khô cuối năm 2024, đầu năm 2025, khả năng xuất hiện khá nhiều mưa trái mùa với những ngày có mưa với lượng từ nhỏ đến vừa.

Mùa mưa năm 2024 khả năng kết thúc vào khoảng xấp xỉ đến muộn hơn TBNN từ 5-10 ngày và phổ biến trong khoảng từ ngày 25/11 đến 05/12/2024. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động đề phòng khả năng xuất hiện xâm nhập mặn sớm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và các hoạt động sản xuất.

Mặt khác, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cũng dự báo mực nước đỉnh lũ năm 2024 tại các trạm đầu nguồn phía Bắc của tỉnh ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động I những vùng trũng thấp. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ cao nhất năm 2024 tại các huyện đầu nguồn phía Bắc của tỉnh vào khoảng từ giữa đến cuối tháng 10/2024.

Còn tại vùng hạ lưu của 2 sông Vàm Cỏ (TP.Tân An và các huyện vùng hạ ven sông) có những đợt triều cường mạnh vào tháng 9, 10 và 11/2024; đỉnh triều cường năm 2024 có thể gây ngập theo triều tại những vùng trũng thấp, 2 bên bờ sông ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh - Nguyễn Quang Ngọc khuyến cáo: “Tình hình thời tiết năm 2024 còn diễn biến phức tạp, các sở, ngành, địa phương và người dân chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan; đồng thời, cần theo dõi và cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn trong thời gian tới”.

Cần tuân thủ lịch thời vụ

Để hạn chế rủi ro do ảnh hưởng thời tiết, thủy văn và xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ chung cho toàn tỉnh.

Cụ thể, lịch gieo sạ sẽ chia làm 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 15 đến 25/10/2024, đối với vùng gò biên giới của các huyện phía Bắc và một số xã có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ thuộc các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và Tân Trụ; đợt 2 từ ngày 15 đến 25/11/2024, đối với vùng đất trung bình, vùng có đê bao của các huyện phía Bắc và các xã chủ động được nguồn nước ở các huyện phía Nam; đợt 3 từ ngày 13 đến 28/12/2024, đối với các huyện vùng trũng, chưa có đê bao khép kín thuộc vùng Đồng Tháp Mười.

Nông dân tại vùng gò biên giới huyện Vĩnh Hưng vệ sinh đồng ruộng, sẵn sàng gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025

Nông dân tại vùng gò biên giới huyện Vĩnh Hưng vệ sinh đồng ruộng, sẵn sàng gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận và cơ cấu giống hợp lý; ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý đến các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Cụ thể, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa: Nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: ST20, ST24, RVT, VĐ20 và nhóm nếp; nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao và thơm nhẹ: OM4900, OM5451, OM7347, Đài thơm 8, Nàng hoa 9; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn khá tốt: OM5451, OM6976, OM576;...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền yêu cầu các chi cục trực thuộc phối hợp địa phương chủ động kiểm tra, rà soát lại hệ thống thủy lợi, đê bao lửng trên địa bàn sau lũ để có kế hoạch nạo vét, duy tu, sửa chữa; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình thủy lợi, đê bao lửng và trạm bơm điện bảo đảm phục vụ sản xuất. Đồng thời, các chi cục phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện khuyến cáo của địa phương về bố trí thời vụ; các giải pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá; tham gia sản xuất theo cánh đồng lớn;...

Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ ĐX 2024-2025 đầu tháng 10/2024, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm lưu ý các địa phương phải rà soát chặt chẽ các hệ thống, công trình thủy lợi, bảo đảm trữ ngọt, ngăn mặn gắn với gieo sạ tuân thủ đúng lịch thời vụ để giảm tác động của hạn, mặn; chú trọng đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

“Hiện nay, tình hình khí tượng, thủy văn phức tạp, ngành Nông nghiệp cần phối hợp tốt các sở, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo các giải pháp sản xuất nông nghiệp, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sản xuất của các địa phương; kiểm tra các công trình thủy lợi, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, xử lý kịp thời các sự cố tràn đê, vỡ đê, ngập úng;... chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô sắp tới; tập trung các giải pháp chỉ đạo nhằm bảo đảm sản xuất vụ ĐX 2024-2025 thắng lợi” - ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-san-xuat-vu-lua-dong-xuan-2024-2025-a183901.html