Chủ động sơ tán, giúp dân tránh bão số 5
Không chủ quan, lơ là với bão số 5 mà các địa phương ở khu Nam Trung bộ đang tập trung nhiều biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại với phương châm '4 tại chỗ', '3 sẵn sàng'
Tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó cơn bão số 5 có khả năng ập vào địa phận Nam Trung bộ, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa từ sáng nay (30-10), học sinh các trường học trên địa bàn đều được phép nghỉ học cho đến hết ngày 31-10.
Trước khi tạm nghỉ để tránh bão, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải có nhiệm vụ cảnh báo học sinh không được đến những vùng ngập nước, vùng ven ao hồ, sông suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Ban giám hiệu nhà trường khẩn trương rà soát, huy động nhân lực giăng chồng mái, vách các phòng học, văn phòng, thư viên, nâng cao và che chắn các loại học cụ, máy tính, thiết bị kỹ thuật… để phòng tránh thấm ướt.
Cũng từ sáng nay (30-10), Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạo các Đồn biên phòng, Trạm kiểm soát biên phòng kiên quyết ngăn chặn tàu cá rời bến bãi ra biển hành nghề, chính quyền địa phương các xã có biện pháp cảnh báo, buộc tạm dừng các hoạt động đưa đón khách du lịch, mua bán trên các tuyến đường thủy nội địa ven biển, ven sông.
Theo nguồn tin PV Báo CAND tổng hợp được từ trực ban tác chiến BĐBP các tỉnh nêu trên, thông qua hệ thống thông tin liên lạc Incom, đến trưa ngày 30-10 các Đồn biên phòng, Trạm biên phòng ven biển Nam Trung bộ đã liên lạc, hướng dẫn 1.208 tàu cá với 9.366 ngư dân đang hành nghề đánh bắt hải sản ở vùng biển khơi xa rời khỏi tầm nguy hiểm của cơn bão số 5 hướng mũi lái vào các đảo, bến bãi để neo đậu; hơn 1.000 tàu cá vận hành vùng lộng đã và đang trở về đất liền ngay trong chiều nay.
Trong khi đó, tại các cảng cá, vùng đầm, vịnh ven biển, BĐBP cùng với lực lượng công an và chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân neo đậu hàng ngàn tàu cá; giằng neo hơn 225.000 lồng thả nuôi tôm, cá.
Đại tá Nguyễn Thanh Hương – Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên cho biết, trước 16h chiều hôm nay (30-10), những người dân không rời khỏi lồng bè thả nuôi tôm cá trên các đầm, vịnh ven biển sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đưa vào bờ đế tránh bão.
Theo quan sát của PV Báo CAND kết hợp cập nhật thông tin từ các cơ quan chức trách, hàng ngàn gia đình ở khu Nam Trung bộ đã sử dụng bao cát, dây kẽm, dây thừng giằng chống nhà ở để phòng tránh và hạn chế thiệt hại.
Trong một diễn biến có liên quan, tàu cá BĐ-98413 TS do ông Nguyển Biển, trú ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) làm thuyền trưởng vấp phải sự cố hỏng máy trôi dạt trên biển, cách đảo Đá Lớn, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) về phía Nam Đông Nam 22 hải lý đã được tàu cá đồng nghiệp lai dắt vào đảo để tránh bão.
Theo hướng dẫn của các bác sĩ Viện Y học biển Việt Nam qua hệ thống thông tin vô tuyến do Đài thông tin duyên hải Việt Nam kết nối, thuyền trưởng cùng nhóm ngư dân trên tàu cá BĐ-97991 TS tiến hành sơ cứu đồng thời tăng tốc đưa ngư dân Võ Hữu Hoàng (SN1993) trú ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa từ rạng sáng ngày 28-10 để các bác sĩ quân y cấp cứu và điều trị vết thương do trượt chân té ngã trong lúc hành nghề đánh bắt hải sản cách đảo Song Tử Tây về phía Đông Bắc 101 hải lý.
Mới đây nhất vào hồi 8h sáng nay (30-10), tàu cá BĐ-97585 TS do ông Nguyễn Hữu Tuấn (SN1986) trú ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã đưa người đồng hương Lê Văn Long (SN1966) đến Bệnh xá đảo Sơn Ca, huyện Trường Sa để cấp cứu và điều trị vết thương chân. Ông Long bị tai nạn từ trưa ngày 29-10, khi tàu cá nêu trên đang vận hành cách đảo Sơn Ca về phía Đông Bắc 40 hải lý, nhưng do sóng gió xô đập dữ dội nên đến sáng 30-10 nạn nhân mới được đưa vào bệnh xá.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt tập trung các biện pháp, nỗ lực ứng phó cơn bão số 5, ngoài việc bảo đảm quân số thường trực 100% trước khi bão ập đến, Công an các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cùng đã hoàn tất việc kiểm tra, chuẩn bị công cụ, phương tiện ô tô, ca nô, xuồng nhôm, áo phao, phao cứu sinh, xăng dầu, máy phát điện cùng với lương thực, thực phẩm, nước uống, dược phẩm và công cụ y tế sơ cấp cứu… trong tư thế sẵn sàng “đón” bão, chủ động phòng tránh, giám thiểu tổn thất về người và tài sản, bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau bão.
Phòng CSGT Công an các tỉnh ở khu Nam Trung bộ tăng cường cán bộ – chiến sĩ tổ chức tuần tra trên các tuyến đường có nguy cơ ngập nước, sạt lở do thiên tai bão lũ… để kịp thời phòng ngừa tai nạn, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn…