Chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý đưa thêm một số tỉnh, thành phố phía nam, nâng tổng số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lên con số 19 từ 0 giờ ngày hôm nay (19/7), nhiều địa phương đã đưa ra các phương án chủ động hơn trong công tác phòng, chống Covid-19.

Chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh

Bài & ảnh: HOÀNG TRUNG, TRỊNH BÌNH, THIÊN VƯƠNG

Thứ Hai, 19-07-2021, 18:23

+ | Print

Phun hóa chất khử khuẩn tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Phun hóa chất khử khuẩn tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”

Triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh Bến Tre đang tập trung tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm và dồn sức truy vết, quản lý chặt chẽ các ca F0, F1 trên diện rộng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, tỉnh đang tập trung công tác tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16; đồng thời, tiếp tục test nhanh, truy vết, quản lý chặt chẽ các ca F0, F1, F2 trong thời gian giãn cách...

Đối với hoạt động sản xuất, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải thực hiện rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ - phòng, chống dịch bệnh tại chỗ. Các DN triển khai test nhanh cho công nhân, có thể hợp đồng với đơn vị y tế tư nhân có đủ năng lực để tổ chức xét nghiệm. Theo đó, đến ngày 20/7, các DN trên địa bàn phải thực hiện xong “4 tại chỗ”. Doanh nghiệp nào không bảo đảm được “4 tại chỗ” sẽ phải tạm ngưng hoạt động.

Sở Công thương tỉnh Bến Tre cũng chuẩn bị lượng hàng hóa, nông sản về các chợ tăng so với trước. Hệ thống siêu thị hàng hóa vẫn dồi dào, bảo đảm cung cấp cho người dân.

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phố đã triển khai giãn cách từ trước, nhưng trước chỉ đạo tăng cường thực hiện Chỉ thị 16, chính quyền và DN tiếp tục triển khai nhiều giải pháp chặt chẽ hơn. Những ngày qua, Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam cho công nhân vào nhà máy thực hiện ăn, ở và sản xuất tại chỗ. Với bốn nhà máy ở Bình Dương, công ty dự kiến sẽ hoàn thành “3 tại chỗ” cho nhà máy ở Khu công nghiệp Đại Đăng trước với khoảng 970 người. Các nơi khác cũng đang lên kế hoạch triển khai. Ông Nguyễn Viết Xiêm, Trưởng xưởng nhà máy Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam chia sẻ, ngoài chuyện ăn và ở công ty đã lo, mỗi lao động thực hiện “3 tại chỗ” được thưởng khuyến khích 25.000 đồng/ngày. Nếu ở liên tiếp 14 ngày thì sẽ được thưởng thêm 500.000 đồng.

Trao đổi ý kiến với phóng viên vào chiều 18/7, ông Hoàng Ngọc Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH nhựa Nhị Bình (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cho biết), để thực hiện “3 tại chỗ”, công ty đã sử dụng 3.000 m2 nhà xưởng phục vụ công nhân ở lại nhà máy. Đối với việc sản xuất trong nhà xưởng, với gần 100 công nhân và cán bộ ở lại, công ty bố trí thành ba ca, mỗi ca làm việc 8 giờ và nhà máy hoạt động 24/24 giờ nhằm bảo đảm sản xuất gắn với phòng, chống dịch.

Linh hoạt trong phòng, chống dịch

Với 2.045 DN đã đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương hiện có 486.000 công nhân, lao động. Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Trung cho biết, nếu các DN không đăng ký phương án “3 tại chỗ”, thì thực hiện phương án “một cung đường, hai địa điểm”(một địa điểm là khách sạn, ký túc xá, chỗ ở tập trung công nhân; một địa điểm là nhà máy sản xuất). DN có trách nhiệm đưa rước công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc bằng phương tiện tập trung. Các DN không thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai địa điểm”, thì yêu cầu dừng hoạt động kể từ 0 giờ ngày 19/7.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, trên địa bàn không xuất hiện ổ dịch mới, các ca dương tính mới chủ yếu tại các khu cách ly, khu phong tỏa, lây lan thứ phát ra cộng đồng. Để phòng, chống dịch, lực lượng chức năng địa phương tiếp tục điều tra truy vết; mở rộng xét nghiệm tầm soát F2 và một số đối tượng nguy cơ trong khu vực phong tỏa. Đồng thời, tăng cường tầm soát trong các DN, nhà trọ. Phát hiện, xử lý sớm các ca bệnh, ổ dịch trong DN. Cùng với đó, lên phương án xét nghiệm cho toàn bộ công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam và người dân trong vùng cách ly y tế bốn xã ở huyện Thống Nhất, trước khi đề xuất dỡ bỏ phong tỏa.

Tại TP Biên Hòa, trước việc số ca F1 tăng cao trong những ngày qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, chính quyền đã quyết định trưng dụng hơn 50 trường học để làm khu cách ly tập trung. Tại các khu cách ly, chính quyền bố trí lực lượng trực và kiểm soát 24/24 giờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, đến ngày 18/7, trên địa bàn đã phong tỏa 60 khu vực, gồm 82.609 hộ dân với hơn 362.600 nhân khẩu. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch trong DN ở các khu công nghiệp, gồm: Sông Mây, Long Bình, Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Nhơn Trạch 2. Bên cạnh đó, một số DN ở ngoài khu công nghiệp có từ 10.000 đến 30.000 công nhân cũng đã xuất hiện dịch. Trong khi đó, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về vaccine, đến nay đã được Bộ Y tế phân bổ 226.520 liều trong đợt hai. Tuy nhiên, số vaccine này chưa đủ tiêm cho đối tượng ưu tiên theo quy định Nghị định 21 của Chính phủ (Đồng Nai có hơn 400 nghìn thuộc đối tượng này).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/chu-dong-to-chuc-san-xuat-kinh-doanh-655759/