Chủ động trong điều hành chính sách tài khóa, trách nhiệm trong tháo gỡ 'điểm nghẽn' thể chế

Theo đại biểu Trịnh Xuân An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, chính sách tài khóa đã được điều hành một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đóng góp tích cực vào ổn định vĩ mô, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân sách cũng là một điểm nhấn thể hiện sự trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Cân đối nguồn thu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Phóng viên: Như báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 dự kiến rất khả quan. Công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước có những đóng góp như thế nào vào “bức tranh màu sáng” này, thưa ông?

Đại biểu Trịnh Xuân An: Công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm có thể nói là thành công và đóng góp tích cực vào ổn định vĩ mô, bảo đảm những chỉ tiêu lớn, nhất là trong bối cảnh phát sinh nhiều tình huống bất khả kháng đột xuất như bão lũ vừa qua.

Mặc dù gặp phải những tình huống bất ngờ, đột xuất nhưng sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính về chính sách tài khóa đã có sự chủ động. Trước tiên, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước với kết quả rất tích cực. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023; cả năm thu ngân sách ước tăng 10,1% so dự toán Quốc hội giao. Chi ngân sách 9 tháng bằng 59,3% dự toán, tăng 1,4% so với cùng kỳ; ước cả năm chi ngân sách 7,7% so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu. Bội chi ngân sách cả năm dự kiến giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so dự toán; nợ công thấp hơn nhiều chi tiêu Quốc hội giao.

Ngành Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới, cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, kể cả việc thu vào ngân sách đối với những đối tượng khó thu như: Thương mại điện tử, Nhà cung cấp nước ngoài… Điều này thể hiện sự nỗ lực của ngành Tài chính để cân đối, tối đa hóa nguồn thu vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã dành nguồn lực rất lớn để thực hiện các chính sách hỗ trợ, điển hình là việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2023 và có hiệu lực thi hành trong năm 2024.

Cùng với đó, chúng ta đã ban hành các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân, như: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%... Điều này thể hiện khả năng cân đối, bao quát, quản lý được nguồn thu cũng như sự chủ động của ngành Tài chính.

Sự chủ động, linh hoạt này còn được thể hiện khi cơn bão số 3 gây nhiều ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ như gia hạn, miễn, giảm thuế với những trường hợp bị tổn thất… cùng những chính sách tài khóa hỗ trợ nêu trên để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Theo ông, trong thời gian còn lại của năm 2024, những giải pháp nào cần được tập trung triển khai để vừa đảm bảo nguồn thu, vừa đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách, làm tiền đề để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu dự toán ngân sách năm 2025?

Đại biểu Trịnh Xuân An: Giai đoạn cuối năm 2024, chúng ta không thể chủ quan trước những kết quả đã đạt được mà cần tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm để đóng góp vào hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2024.

Trước hết, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định. Cùng với đó là đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Chúng ta cũng cần phải đánh giá được tác động của cơn bão số 3 đối với doanh nghiệp và người dân, gây hụt thu ngân sách nhà nước như thế nào để có các biện pháp ứng phó.

Chính sách tài khóa cũng cần được phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Những tháng cuối năm có thể có biến động về tỷ giá, xuất nhập khẩu… Do đó, ngành Tài chính cần phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định, duy trì đà tăng trưởng và các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và cho cả giai đoạn 2026-2030.

Trách nhiệm trong hoàn thiện cơ chế, chính sách

Phóng viên: Có thể thấy, công tác hoàn thiện thể chế đang được đặc biệt quan tâm hiện nay. Đại biểu đánh giá như thế nào về công tác này của Bộ Tài chính?

Đại biểu Trịnh Xuân An: Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành một Nghị định rất quan trọng đó là Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định về việc lập dự toán, quản lý và sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Cá nhân tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác đánh giá rất cao Nghị định này. Nội dung này sắp tới đây cũng được thể hiện thông qua sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước trong dự án 1 luật sửa 7 luật lĩnh vực tài chính.

Các nội dung được sửa đổi liên quan đến chi đầu tư, chi thường xuyên đã giúp tháo điểm nghẽn trong thực tiễn. Nội dung này Quốc hội và Chính phủ cũng đã trao đi đổi lại rất nhiều. Bộ Tài chính cũng đã rất quyết tâm, quyết liệt để tháo gỡ, đặc biệt là đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138 nêu trên trước khi Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, trong khi chờ Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi có hiệu lực thì chúng ta triển khai theo Nghị định này để tháo gỡ cho các địa phương, cơ quan trong việc sử dụng chi thường xuyên cho các nhiệm vụ có tính chất đầu tư. Nghị định này đã quy định rất rõ, đưa ra các định lượng rất cụ thể để các đơn vị, địa phương dễ dàng áp dụng.

Điều đó cho thấy rằng, Bộ Tài chính đã rất trách nhiệm trong công tác hoàn thiện thể chế. Trong thời gian tới, ngành Tài chính còn triển khai nhiều nội dung về thể chế như sửa các luật, các quy định liên quan đến ngân sách… Thể chế này liên quan đến tài chính, thu chi ngân sách nhà nước chứ không chỉ đơn giản là sửa đổi quy định pháp luật.

Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ là phải đáp ứng được những yêu cầu của Đất nước và xã hội, điều này đòi hỏi ngành Tài chính cần tiếp tục lắng nghe, đánh giá một cách thấu đáo để phúc đáp những ý kiến của người dân, doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Trần Huyền (thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chu-dong-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-trach-nhiem-trong-thao-go-diem-nghen-the-che.html