Chủ động trong thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến lao động việc làm

Chiều 4/8, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra - thực trạng và giải pháp'.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Đây là dịp để lãnh đạo tổ chức công đoàn các cấp trao đổi, thảo luận xác định quyền kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn để làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động có những thế mạnh đặc thù trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát về những vấn đề liên quan đến người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng trong việc thiết lập và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa hoàn toàn thống nhất trong việc ghi nhận quyền giám sát của tổ chức công đoàn trên phương diện là một “quyền tham gia” (phối hợp, bị động) hay là “quyền độc lập” (chủ động). Thực chất, cơ chế giám sát và phản biện xã hội chỉ thực sự phát huy được hết giá trị khi các chủ thể được trao quyền chủ động tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thực tế lâu nay, công đoàn thực hiện giám sát thường xuyên thông qua quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ảnh của công đoàn cấp dưới, đoàn viên công đoàn, người lao động. Công đoàn giám sát thông qua dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc giám sát qua đối thoại giữa tổ chức công đoàn với đối tượng được giám sát; thông qua nội dung và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, đoàn viên, người lao động và giám sát theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam....

“Do vậy, việc trao quyền cho tổ chức công đoàn là yêu cầu thiết yếu. Trao quyền tương xứng với vai trò vị thế nhằm phát huy những năng lực vốn có càng cần phải được quan tâm. Cơ chế giám sát và phản biện xã hội chỉ thực sự phát huy được hết giá trị khi các chủ thể được trao quyền chủ động tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực nhà nước”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Tham gia hoạt động công đoàn nhiều năm, ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức cũng chia sẻ thực tiễn có nhiều vấn đề xảy ra tại doanh nghiệp liên quan trực tiếp và làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền người lao động. Cụ thể như hợp đồng lao động với người lao động không đúng quy định; nội dung hợp đồng không đầy đủ, rõ ràng; không xây dựng thang lương, bảng lương; không thực hiện chế độ nâng lương; chậm thanh toán tiền lương; chấm dứt hợp đồng không đúng quy định...

“Nắm bắt được vấn đề này, dù "nóng ruột" nhưng cán bộ công đoàn không thể thực hiện vai trò bảo vệ người lao động bằng cách đơn phương vào can thiệp trực tiếp. Để thực hiện điều này, công đoàn phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước, thành lập đoàn liên ngành, lên kế hoạch rồi mới thực hiện các chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát... Đến lúc này thì quyền lợi của người lao động đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Cường chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố cho biết, trong quan hệ lao động, nhất là khi tiến hành kiểm tra thường thấy có hai dạng doanh nghiệp thực hiện Luật lao động và những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm.

Trường hợp doanh nghiệp thường xuyên sai phạm khó tác động thì chuyển lên Liên đoàn Lao động để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra. Trường hợp doanh nghiệp chưa rõ, chưa hiểu để thực hiện thì Công đoàn Khu sẽ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến lao động việc làm.

“Thực tế thì Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố không thể tự đi thực hiện kiểm tra doanh nghiệp và cũng không thể chủ động kiểm tra doanh nghiệp do quy định, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi dựa vào Ban Quản lý các khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Phòng Quản lý lao động của Ban Quản lý để thực hiện kiểm tra từ đó có giải pháp kịp thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động”, ông Thành chia sẻ.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu nêu lên thực trạng và đề xuất nhiều ý kiến xoay quanh vai trò của tổ chức công đoàn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; phương thức, nội dung giám sát của tổ chức công đoàn. Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên; nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của tổ chức công đoàn. Cùng với đó, công đoàn phối hợp giám sát với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc; chủ động giám sát với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; cơ chế đảm bảo quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn...

Bài, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/chu-dong-trong-thanh-tra-kiem-tra-cac-van-de-lien-quan-den-lao-dong-viec-lam-20230804210522000.htm