Chủ động ứng phó bão số 4

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, sáng 18-8, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển đông bắc Biển Ðông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2020, có tên quốc tế là Higos. Hồi 22 giờ ngày 18-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 114,4 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 420 km về phía đông.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, sáng 18-8, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển đông bắc Biển Ðông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2020, có tên quốc tế là Higos. Hồi 22 giờ ngày 18-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 114,4 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 420 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 đến cấp 10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên là khoảng 150 km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 70 km. Ðến 22 giờ ngày 19-8, vị trí tâm bão ở khoảng 22,6 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Ðông - Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp, trên khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

* Sáng 18-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp chỉ đạo ứng phó bão số 4 và tình hình mưa lũ ở khu vực miền bắc. Từ ngày 18 đến 23-8, miền bắc sẽ gặp tổ hợp ba yếu tố thời tiết vô cùng bất lợi là mưa, bão số 4 và động đất. Vì vậy, các tỉnh miền núi cần nâng cao cảnh giác về vấn đề lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Khẩn trương di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ, tổ chức trực ban 24/24 giờ đến cấp thôn, thông tin thường xuyên tới người dân về tình hình mưa lũ, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, nguy hiểm, hướng dẫn người dân. Ðối với công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, trọng tâm là việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Sơn La, cần tính toán kỹ và xét cả yếu tố lũ thượng nguồn, điều hành linh hoạt vừa bảo đảm an toàn cho công trình, hạ du vừa phục vụ mục đích phát điện, sản xuất…

* Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, hiện đang xuất hiện lũ lớn ở mức báo động 2 trên sông Hồng và sông Chảy đoạn qua TP Lào Cai và huyện Bảo Yên (Lào Cai). Lúc 7 giờ ngày 18-8, Trạm thủy văn Lào Cai quan trắc được mực nước lên tới 81,61 m (dưới báo động 2 là 0,39 m). Biên độ lũ đạt mức 3,22 m. Người dân cần chủ động phòng tránh lũ lớn để giảm thiểu mọi thiệt hại; theo dõi sát diễn biến lũ trên sông để di dời người và tài sản khi cần thiết. Các địa phương nghiêm cấm người dân không vận chuyển bè mảng, đánh bắt cá, vớt gỗ, củi trôi trên sông để phòng ngừa hiểm họa.

* Mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề ở Lai Châu. Tại bản Hồ Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Ðường, đêm 17 rạng sáng 18-8 mưa lớn làm một người chết do sạt lở đất.

* Tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), mưa lớn từ ngày 17 và sáng 18-8 đã khiến một người chết do bị nước lũ cuốn, hai điểm trường tiểu học bị sạt lở hơn 40 m tường rào.

* Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã gây ngập úng, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông tại 11 vị trí trên địa bàn tỉnh Sơn La. Mưa lũ còn làm đứt đường dây điện, đổ, nghiêng nhiều vị trí cột điện, ảnh hưởng tới 27 trạm biến áp của tám xã (huyện Mường La), ba xã (huyện Thuận Châu) và xã Ðứa Mòn (huyện Sông Mã).

* Mưa lớn kéo dài liên tục từ ngày 16 đến 18-8 tiếp tục gây thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh. Tính đến sáng 18-8 vẫn còn 85 trong tổng số 3.000 hộ dân bị cắt điện tạm thời do mưa lớn làm ngập lụt khu dân cư.

* Do ảnh hưởng của mưa lớn, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) có hai người chết do bị nước lũ cuốn trôi. Tính đến 7 giờ ngày 18-8, tỉnh Vĩnh Phúc có 200,5 ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chu-dong-ung-pho-bao-so-4-613434/