Chủ động ứng phó trước thử thách

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (Covid-19) đang ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa cũng như làm đình trệ sản xuất, kinh doanh của nhiều quốc gia.

Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn và đường biên giới dài với Trung Quốc - nơi tâm dịch - không tránh khỏi những tác động về hoạt động xuất, nhập khẩu.

Các số liệu thống kê cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu tháng đầu tiên năm 2020 của nước ta đã gặp nhiều khó khăn, không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba. Theo dự báo, hoạt động này tiếp tục chịu tác động từ dịch bệnh do Covid-19. Để chủ động ứng phó trước những tác động của dịch bệnh, Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất tăng trưởng.

Đến thời điểm này, tại Việt Nam, sự chủ động kiểm soát dịch bệnh do Covid-19 của các cấp, ngành, địa phương đã mang lại hiệu quả bước đầu rõ nét. Điều này giúp doanh nghiệp, người dân vững tâm sản xuất, kinh doanh, đồng thời tiếp tục tạo môi trường thu hút nhiều nhà đầu tư. Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, vì thế đây là thời điểm để các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cần quyết tâm hơn.

Trước hết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch do Covid-19, các bộ, ngành, địa phương có đường biên giới và cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12-2-2020 của Thủ tướng Chính về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh như SARS (năm 2003) từ khi bắt đầu đến khi quay lại ổn định như cũ - phải mất trung bình từ 6 đến 8 tháng, do đó các cơ quan chức năng cần nhìn nhận một cách toàn diện, dịch bệnh sẽ tác động đến các lĩnh vực của ngành kinh tế. Trong đó, cần làm rõ những mặt hàng xuất khẩu nào đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 để đưa ra định hướng và giải pháp cụ thể. Đồng thời, chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như vay ưu đãi, hoãn trả lãi vay, tạm hoãn đóng thuế thu nhập, giảm một số loại thuế, phí…

Bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến tăng cường thu mua, sơ chế, lưu kho, chế biến, cần xây dựng kịch bản xuất, nhập khẩu phù hợp, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm duy trì xuất khẩu. Đặc biệt với doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống các đối tác vùng có dịch không thể nhập hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu thị trường mới hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Về nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất, bên cạnh sự giúp đỡ tìm nguồn hàng của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Mỗi doanh nghiệp cần bình tĩnh, có giải pháp tránh bị tư thương lợi dụng tình hình dịch bệnh để ép giá. Đồng thời chuyển hướng sản xuất theo chuỗi, tăng liên kết để chủ động khi thị trường tiêu thụ bị gián đoạn.

Dịch bệnh do Covid-19 đã và đang gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân cần chủ động thích ứng để vượt qua thách thức, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các cuộc họp Chính phủ gần đây là "phòng, chống dịch bệnh nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, xuất khẩu".

Duy Biên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/958327/chu-dong-ung-pho-truoc-thu-thach