Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước, hạn, xâm nhập mặn

Theo dự báo của các ngành chuyên môn, năm 2023 là một trong những năm nóng kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Trước tình hình này, tỉnh Long An tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước, hạn, xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ vùng sản xuất, nhất là các loại cây trồng chủ lực.

Thắng lợi “kép” trong mùa khô năm 2022-2023

Tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 cao hơn và xâm nhập sâu hơn so cùng kỳ mùa khô năm 2021-2022. Thế nhưng với sự chủ động, các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là nâng cao ý thức của người dân, nên nguồn nước ngọt vẫn bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, không thiếu hụt như những năm cực đoan 2015-2016, 2019-2020. Qua đó, hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 không làm thiệt hại về sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Bà Trần Thị Thiệt ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nước

Bà Trần Thị Thiệt ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nước

Bà Trần Thị Thiệt (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 4.000m2 rau. Vào mùa hạn, xâm nhập mặn, gia đình tôi thường theo dõi dự báo độ mặn trên các nhánh sông để chủ động dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Ngoài ra, gia đình còn được xã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và bộ ứng dụng tưới thông minh nên tiết kiệm được nước tưới, công chăm sóc. Cụ thể, trước đây, gia đình tôi tưới theo kiểu truyền thống mất gần 2 tiếng, còn bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể điều khiển tưới bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và thời gian tưới chỉ còn 15 phút”.

Những năm qua, nông dân xã Tân Bửu, huyện Bến Lức luôn thực hiện theo các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, gieo sạ đúng lịch thời vụ và chỉ làm 2 vụ lúa. Nhờ vậy, nông dân “né” được hạn, dịch bệnh, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Anh Huỳnh Văn Tín (ấp 5, xã Tân Bửu) chia sẻ: “Vào mùa hạn, xâm nhập mặn, xã Tân Bửu chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những năm trước, gia đình tôi cũng sạ lúa vụ 3 nhưng năng suất thấp, không có lợi nhuận. Do đó, gia đình quyết định không sạ vụ 3 từ năm 2016 đến nay. Gia đình luôn tranh thủ gieo sạ đúng lịch thời vụ và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như bơm nước ngập khô xen kẽ, hạn chế phun thuốc trừ sâu khi thiên địch nhiều hơn dịch hại,…”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 tương đối thuận lợi, ít dịch bệnh, nhất là giá bán các loại lúa cao hơn so cùng kỳ. Nông dân có lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 5 triệu đồng/ha so với vụ Đông Xuân 2021-2022. Điều này khẳng định, nông dân thắng lợi "kép" trong mùa khô năm 2022-2023 vì vừa trúng mùa, được giá, vừa “né” được hạn, xâm nhập mặn.

Mùa khô năm 2023-2024 nắng nóng kỷ lục

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, năm 2023 là một trong những năm nóng kỷ lục. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào cuối năm 2023 thì nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Các ngành chức năng kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Các ngành chức năng kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa nhưng lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Đặc biệt, theo dự báo năm nay, lượng mưa sẽ giảm từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm đến 40%. Điều này sẽ dẫn đến thiếu nước sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị nông dân tập trung xuống giống gieo sạ theo đúng khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để bảo đảm nguồn nước tưới đến cuối vụ. Ngoài ra, nông dân cần áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật để tiết kiệm nước, tăng sức đề kháng, chống chịu cho cây vào mùa nắng nóng”.

Những năm nắng nóng cực đoan như 2015-2016, 2019-2020, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt sản xuất. Tuy nhiên, diện tích chanh của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (huyện Bến Lức) không bị ảnh hưởng, ngược lại còn thắng lớn vì trúng mùa, trúng giá.

Để chủ động ứng phó với mùa khô năm 2023-2024, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận chia sẻ: “Nhà vườn trồng chanh cần phải có nhiều kế hoạch và tổ chức lồng ghép các biện pháp. Điển hình vào tháng 9, HTX sẽ bón phân hữu cơ cho cây; tháng 10 bắt đầu để cỏ quanh gốc chanh, tuyệt đối không cắt tỉa để bảo vệ rễ cám; tưới nước ban ngày chuyển sang buổi tối để nước không bốc hơi, tiết kiệm nước. Đặc biệt, nhà vườn cần pha dung dịch phân bón lá vào nước để tưới cho cây giúp bộ rễ phát triển tốt”.

Xác định được tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ phức tạp, UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương tuyên truyền các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn đến tận xã, phường, ấp, khu phố để người dân chung tay thực hiện; hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí; thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai từ các cơ quan chuyên môn để thông tin rộng rãi đến tận cơ sở; rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn;...

Với những giải pháp trên cùng sự chung tay của người dân, tin rằng, mùa khô năm 2023-2024, diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng, nông dân có vụ mùa bội thu./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-dong-ung-pho-voi-nguy-co-thieu-nuoc-han-xam-nhap-man-a160318.html