Chủ đường nước 'bẻ kèo', người sản xuất lúa bị thiệt

Hàng ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp tại Tổ hợp tác số 3, ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng của ông Nguyễn Văn Tranh (SN 1970, ngụ xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) đang bỏ hoang do nhà đầu tư 'bẻ kèo' không cung cấp nước.

Ông Nguyễn Văn Tranh chỉ phần đất ruộng của gia đình hiện tại bị bỏ hoang vì chủ đầu tư không bơm nước để xuống giống

Ông Nguyễn Văn Tranh chỉ phần đất ruộng của gia đình hiện tại bị bỏ hoang vì chủ đầu tư không bơm nước để xuống giống

Ông Nguyễn Văn Tranh phản ánh, gia đình có 24.000m2 đất sản xuất nông nghiệp (làm lúa 2 vụ/năm) tại ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng. Trong quá trình sản xuất, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) số 3 làm đại diện cho nhiều hộ dân ký hợp đồng với bà Hồ Thị Thân (SN 1955, ngụ thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) để bơm nước (gọi tắt chủ đường nước) phục vụ cho các thành viên trong THT số 3 sản xuất lúa, trong đó có phần diện tích đất của ông Tranh.

Tuy nhiên, đến vụ lúa hè thu năm 2020 này, chủ đường nước ngưng không bơm nữa. Ông Tranh đề nghị cung cấp nước để sạ lúa thì chủ đường nước cho rằng, nhiều diện tích sản xuất lúa của người dân thuộc THT số 3 đã bán cho một đơn vị kinh doanh ngành nghề thủy sản, diện tích đất của ông Tranh ít nên bơm nước sẽ bị thua lỗ.

Bức xúc vì không có nước để xuống giống, ông Tranh gửi đơn đến UBND xã Bình Phú, huyện Tân Hồng. Ngày 10/3/2020, UBND xã Bình Phú tiến hành hòa giải vụ việc giữa ông Tranh và chủ đường nước. Tại cuộc hòa giải, chủ đầu tư cho rằng diện tích đất của ông Tranh là 21.000m2 chứ không phải là 24.000m2; ông Tranh phải đắp bờ giữ nước; còn ông Tranh yêu cầu phải bơm nước để xuống giống... Từ các ý kiến tại cuộc hòa giải, 2 bên thống nhất nội dung sau: ông Tranh thuê xe kobel đắp bờ xung quanh diện tích đất để giữ nước và chủ đầu tư thống nhất bơm nước để ông Tranh sản xuất.

Sau khi có sự thống nhất, ông Tranh mua và ngâm ủ 500kg lúa giống để sạ thì tiếp tục xảy ra tình trạng chủ đường nước “bẻ kèo”. Ông Tranh làm đơn gửi đến UBND xã Bình Phú. Ngày 17/3, xã Bình Phú tiếp tục hòa giải nhưng kết quả 2 bên không đi đến thống nhất chung. Cụ thể: phía ông Tranh yêu cầu bơm nước, còn không thì phải bồi thường thiệt hại. Phía chủ đường không bơm nước vì phần bờ đê đất ruộng của ông Tranh không đảm bảo giữ nước, gây thất thoát cho nhà đầu tư.

Vì ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình cũng như chủ đường nước không thực hiện đúng theo hợp đồng nên ông Tranh vừa khởi kiện vụ việc trên ra Tòa án nhân dân huyện Tân Hồng. Ông Phạm Văn Tựu – Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Hồng cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ khởi kiện của ông Tranh nhưng chưa triệu tập các đương sự để trao đổi, làm việc vì trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 02 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Qua trao đổi, ông Tranh cho biết, việc bơm nước giữa nhà đầu tư và người dân sản xuất nông nghiệp trong THT đều có hợp đồng rõ ràng. Thời gian hợp đồng đến 10 vụ (đến hết vụ hè thu năm 2023). Nếu phía chủ đường nước không bơm nữa thì thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho tôi. Cơ sở để tính bồi thường thiệt hại dựa trên năng suất và lợi nhuận bình quân của những người dân làm lúa trong THT này (khoảng 1,3 triệu đồng/1.000m2/năm) nhân với tổng diện tích là 24.000m2, chứ thật sự gia đình tôi cũng không gây khó dễ gì đối với nhà đầu tư.

HỒNG NGỰ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/chu-duong-nuoc-be-keo-nguoi-san-xuat-lua-bi-thiet-90352.aspx