Chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu đang diễn tiến chậm
Các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi đã hạ lãi suất trước cuộc bầu cử Mỹ 2024. Tuy nhiên, chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu diễn ra chậm trong tháng Mười.
Trong tháng Mười đã diễn ra các cuộc họp chính sách của bốn ngân hàng trung ương điều hành các đồng tiền trong nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất (G10). Trong đó ba ngân hàng đã hạ lãi suất: Ngân hàng trung ương New Zealand và Canada đều giảm 0,5 điểm phần trăm, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm 0,25 điểm phần trăm.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên lãi suất, còn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng các ngân hàng trung ương của Australia, Thụy Sỹ, Na Uy và Anh không có các cuộc họp chính sách trong tháng Mười.
Tại các thị trường mới nổi, 13 trong số 18 ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khảo sát của hãng tin Reuters đã tổ chức họp chính sách trong tháng 10. Sáu ngân hàng trong số này đã quyết định giảm lãi suất, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Chile giảm 0,25 điểm phần trăm, còn Colombia giảm 0,5 điểm phần trăm. Nga là ngân hàng trung ương duy nhất trong số các thị trường mới nổi tăng lãi suất, với mức tăng 2 điểm phần trăm, trong khi sáu ngân hàng còn lại giữ nguyên lãi suất.
Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã đi trước các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển trong chu kỳ giảm lãi suất này. Theo các nhà phân tích, việc nới lỏng tiền tệ gần đây của các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển đã hỗ trợ trái phiếu của các thị trường mới nổi trong năm nay.
Tính đến nay, các thị trường mới nổi đã giảm lãi suất tổng cộng 17,10 điểm phần trăm trong 42 lần điều chỉnh trong năm nay, vượt qua tổng mức giảm 9,45 điểm phần trăm trong năm ngoái. Trong khi đó, tổng mức tăng lãi suất trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại là 13 điểm phần trăm.
Thị trường hiện đang tập trung sự chú ý vào việc chu kỳ giảm lãi suất ở các thị trường phát triển sẽ kéo dài và sâu đến mức nào. Kết quả bầu cử Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ và toàn cầu trong thời gian tới. Fed được dự đoán sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris được cho là sẽ duy trì hiện trạng về tăng trưởng và lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump cam kết tăng thuế quan thương mại. Động thái này có thể làm leo thang căng thẳng thương mại, từ đó làm gia tăng lạm phát và hạn chế khả năng giảm lãi suất.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chu-ky-noi-long-tien-te-tren-toan-cau-dang-dien-tien-cham/352552.html