CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH NGUYỄN PHÚ CƯỜNG: CHÍNH PHỦ CẦN CÓ GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT ĐỂ KHẮC PHỤC HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Giám sát VBQPPL gắn với nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội khóa XV. Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát VBQPPL trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác ban hành VBQPPL…
DẤU ẤN ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH TRONG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI
Kết quả giám sát VBQPPL là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá tác động
Giám sát văn bản quy phạm pháp luật gắn với nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội khóa XV.
Từ thực tiễn hoạt động về quá trình tổ chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban đã luôn quán triệt, xác định phạm vi giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách; chủ động xây dựng nhiệm vụ giám sát VBQPPL trong Chương trình công tác của Ủy ban. Trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chú trọng việc xác định số lượng, nội dung những vấn đề cần giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết; lấy kết quả giám sát VBQPPL là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá tác động, bổ trợ cho công tác xây dựng pháp luật, quyết định về tài chính, ngân sách của Quốc hội.
Đồng thời với việc giám sát thông qua rà soát hệ thống VBQPPL liên quan, nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chủ động theo dõi, cập nhật kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, UBTVQH, Quốc hội; kết quả giám sát, phân biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; thông tin, phản ánh từ cử tri, cộng đồng doanh nghiệp, các phương tiện thông tin truyền thông.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã chỉ rõ một số chồng chéo chưa đúng quy định trong việc triển khai, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc ban hành văn bản pháp luật còn chậm. Qua đó kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ ban hành, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm của mình trong đó có hoạt động giám sát và giám sát việc ban hành VBQPPL, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách các khóa đã tổng hợp, biên tập nhiều tài liệu tham khảo như: Sổ tay hướng dẫn công tác thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước; Sổ tay về quản lý, giám sát ngân sách nhà nước; Cẩm nang hướng dẫn giám sát ngân sách nhà nước; Cẩm nang 100 câu hỏi và trả lời về Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành… Các tài liệu này hết sức có giá trị, giúp cho việc nghiên cứu, tổ chức giám sát VBQPPL trong điều kiện chưa có quy định của UBTVQH hướng dẫn chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2022, Ủy ban đã xây dựng Kế hoạch số 639/KH-UBTCNS15 ngày 13/6/2022 về việc rà soát quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Báo cáo tính chuyên đề phục vụ xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật". Kết quả, đã rà soát được 33 văn bản trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, qua đó phát hiện được một số vấn đề trong lĩnh vực quản lý, tin sử dụng tài sản công như hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa đầy đủ, một số loại tài sản hoặc lĩnh vực còn thiếu các văn bản để điều chỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, một số loại tài sản công đặc thù cần phải được xử lý theo quy định riêng tại pháp luật chuyên ngành nhưng chưa có quy định loại trừ hoặc dẫn chiếu làm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị lúng túng trong áp dụng pháp luật như: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các sản phẩm cơ yếu... Các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế… Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có kiến nghị đối với 10 văn bản có quy định vướng mắc, sơ hở, bất cập hoặc chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Hoạt động giám sát VBQPPL trong lĩnh vực tài chính, ngân sách vẫn còn tồn tại, hạn chế
Từ thực tiễn triển khai giám sát VBQPPL những năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhận thấy công tác giám sát này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Quy trình tổ chức giám sát, kiến nghị, giám sát việc tổ chức thực hiện kiến nghị của cơ quan ban hành văn bản; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa thực sự chủ động, kịp thời, hiệu quả; (2) Công tác giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với từng văn bản, nhất là văn bản dưới Nghị định; (3) Thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát vẫn chủ yếu là báo cáo của các bộ, ngành; (4) Việc giám sát mới tập trung vào tính kịp thời, đầy đủ, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, tuân thủ các quy định về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản; việc đánh giá về nội dung, tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các văn bản còn hạn chế...
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại, hạn chế nêu trên. Nguyễn nhân chủ quan là do chưa có văn bản hướng dẫn Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát VBQPPL; Số lượng các điều luật giao Chính phủ, bộ, ngành quy định chi tiết còn nhiều. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật trong một số trường hợp chưa nghiêm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa hiệu quả, chặt chẽ.
Nguyên nhân khách quan là do một số nội dung được giao quy định chi tiết trong luật là những vấn đề khó, phức tạp, chưa được nghiên cứu sâu, chưa đủ rõ, không lường trước được những khó khăn, vướng mắc, nên cần nhiều thời gian trong quá trình xây dựng văn bản. Chất lượng đội ngũ công chức tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội…
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát VBQPPL trong thời gian tới
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát VBQPPL trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, đây là điều kiện hết sức thuận lợi khi các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình, thủ tục tổ chức giám sát VBQPPL đã được quy định chi tiết tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc tế hội, từ đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề ra phương hướng triển khai, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, bám sát quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành VBQPPL, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các văn bản khác có liên quan, nhất là Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát VBQPPL của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát VBQPPL của nhiệm kỳ và hàng năm.
Hai là, phân công các Tiểu ban và xác định trách nhiệm của từng thành viên trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách trong việc triển khai giám sát VBQPPL. Đặc biệt, trong năm 2023, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát, đánh giá các VBQPPL liên quan, qua đó chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị trong hoạt động ban hành, tổ chức thực hiện các VBQPPL và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát VBQPPL trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Ba là, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của UBTVQH, trong tổng số 109 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu, xây dựng mới do Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Tài chính, Ngân sách được phân công theo dõi, đôn đốc đối với 11 nhiệm vụ lập pháp. Đối với các nhiệm vụ được phân công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ chủ động phối hợp, tích cực đôn đốc các Bộ, ngành chủ trì nghiên cứu, rà soát các luật liên quan. Trong đó, tập trung vào việc đánh giá tổng kết thi hành, qua đó xác định các hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật hiện hành.
Để phát huy những kết quả đạt được, hạn chế những tồn tại trong hoạt động giám sát VBQPPL của Ủy ban trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị quan tâm xem xét một số kiến nghị:
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát nói chung và giám sát VBQPPL nói riêng của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội. Việc đổi mới và những kết quả sẽ đạt được khi triển khai Nghị quyết 560 sẽ góp phần đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đúng thầm quyền, trình tự, thủ tục, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác ban hành VBQPPL; thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác ban hành VBQPPL; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết các nội dung còn nợ đọng; xử lý dứt điểm VBQPPL có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội chỉ ra. Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành VBQPPL, đặc biệt về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL.
Thứ ba, các Bộ, cơ quan ngang bộ gửi đầy đủ VBQPPL đã được ban hành tới các cơ quan giám sát theo thẩm quyền để tổ chức giám sát theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan chủ trì thẩm tra, giám sát về tình hình ban hành VBQPPL và kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát VBQPPL của cơ quan có thẩm quyền; cần làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ đối với những văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với ngày luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, làm rõ khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung được giao trong luật nhưng chưa hoặc không ban hành văn bản quy định chi tiết./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72881