Chủ quan với cơn đau đầu, cô gái trẻ rơi vào hôn mê vì đột quỵ
Nghĩ còn trẻ, khi bị đau đầu Hoa tự ý mua thuốc giảm đau uống, tuy nhiên sau đó cơn đau tăng lên, uống thuốc không tác dụng.
TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa, 32 tuổi ở Hải An, Hải Phòng đến BV Bạch Mai khám vào đầu giờ chiều ngày 13/11 do đau đầu.
Tuy nhiên vừa tới cửa khoa Cấp cứu, chưa kịp vào khám bệnh, người bệnh đột ngột có biểu hiện đau đầu dữ dội và ngừng tuần hoàn. Rất nhanh, theo phản xạ nghề nghiệp, bác sĩ và diều dưỡng trực đã tiếp cận, đánh giá nhanh tình trạng bệnh và thực hiện hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng có oxy qua mặt nạ mặt...) cho người bệnh ngay lập tức.
Sau khoảng 3 phút, tim người bệnh đập trở lại. Bệnh nhân sau đó được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc co mạch và trợ tim, truyền dịch, bồi phụ điện giải.
Trước đó bệnh nhân không có tiền sử gì đặc biệt. Trước ngày vào viện khoảng 1 tháng, Hoa thường xuyên xuất hiện đau đầu, dùng thuốc giảm đau có đỡ. Tuy nhiên, vài ngày trước khi vào viện, tình trạng đau đầu tăng lên dữ dội, uống giảm đau không đỡ, đồng thời người bệnh có biểu hiện buồn nôn.
Phòng CTXH của BV Bạch Mai trao tiền hỗ trợ cho bệnh nhân
Sau khi có tuần hoàn tự nhiên trở lại, tình trạng của bệnh nhân rất xấu, hôn mê sâu, glasgow chỉ còn 6 điểm, đồng tử hai bên chưa giãn nhưng phản xạ với ánh sáng rất kém, không có dấu hiệu liệt nửa người.
Để xác định nguyên nhân ngừng tuần hoàn, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu, làm điện tâm đồ, CT scan sọ não. Kết quả cho thấy có hình ảnh tụ máu mỏng dưới màng cứng hai bên bán cầu. Bác sĩ nghĩ đến vỡ túi phình động mạch não nên tiếp tục cho bệnh nhân chụp MSCT scan mạch mão để tìm nguyên nhân.
Kết quả phim MSCT scan cho thấy hình ảnh túi phình ở động mạch cảnh trong trái đã vỡ. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu dưới nhện dẫn tới ngừng tuần hoàn.
Với trường hợp này, bệnh nhân được tiên lượng hết sức nặng nề, phẫu thuật có thể không hiệu quả, thậm chí đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch hơn.
Sau khi hội chẩn liên khoa, biện pháp can thiệp nội mạch nhằm bít tắc túi phình động mạch não được lựa chọn.
Mọi việc tưởng như đã nhanh chóng được thống nhất xong thì bác sĩ gặp phải vấn đề khó khăn từ gia đình. Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có BHYT, gia đình không có tiền đóng viện phí ban đầu.
Trước khó khăn này, lãnh đạo khoa cấp cứu đã liên hệ với Phòng CTXH của BV để cùng hỗ trợ, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng giúp đỡ.
Theo TS Chính, với các trường hợp đau đầu do độ quỵ chảy máu dưới nhện, tỉ lệ tử vong rất cao lên tới 27-44%. Tuy nhiên, nếu được điều trị phẫu thuật kẹp cổ túi phình hoặc can thiệp nội mạch gây bít tắc túi phình phối hợp với các biện pháp điều trị thích hợp khác thì tỉ lệ tử vong có thể giảm xuống còn 18%
Với trường hợp bệnh nhân Hoa, ngoài biến cố chảy máu dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não, bệnh nhân còn gặp phải biến chứng ngừng tuần hoàn đã làm cho tình trạng bệnh đã nặng lại càng nặng nề hơn, khả năng sống sót là rất thấp. Tỉ lệ sống sót đối với ngừng tuần hoàn xảy ra bên ngoài bệnh viện là dưới 10% và đối với ngừng tuần hoàn xảy ra trong bệnh viện là dưới 20%.
Nhờ quyết tâm của các bác sĩ, sau 7 ngày điều trị tích cực, hiện người bệnh đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.