Chủ shop thời trang ở miền Bắc 'méo mặt' vì mùa đông đến trễ

Mùa đông đến muộn khiến nhu cầu mua sắm quần áo thu đông của người dân hạn chế. Thời điểm này, không ít chủ shop thời trang đứng ngồi không yên, lo sợ thua lỗ do chủ quan nhập đồ đông sớm.

Kinh doanh ế ẩm, chủ shop ngồi chơi cả ngày

Dù đã đầu tháng 11 nhưng thời tiết vẫn nóng bất thường khiến nhiều người chưa có nhu cầu mua sắm đồ mùa đông.

"Tôi muốn đi sắm áo len, áo khoác lắm nhưng mỗi khi nhìn ra trời nóng lại ái ngại, không còn hứng thú mua đồ. Lập đông rồi nhưng tôi vẫn mặc quần áo mỏng, ngắn tay, mua nhiều quần áo ấm sợ không mặc đến lại lãng phí", Nguyễn Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

 Shop thời trang giảm giá kích cầu mua sắm.

Shop thời trang giảm giá kích cầu mua sắm.

Trao đổi với PV, chị Hoàng Thị Phương, chủ một shop quần áo trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời điểm này việc buôn bán quần áo ấm vẫn rất trì trệ. Doanh thu tháng 10 và tháng 11 năm nay chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

“Từ đầu tháng 10 năm ngoái, cửa hàng tôi đã chật kín khách mua đồ đông. Còn năm nay, do nền nhiệt vẫn ở mức cao nên nhu cầu mua sắm của khách rất ít, doanh thu cửa hàng bị sụt giảm nhanh chóng” - chị Phương nói.

Theo chị Phương, do chủ quan không xem xét kỹ về tình hình thời tiết, ngay từ cuối tháng 8, chị đã vội nhập hàng với tâm lý muốn có những mẫu mã đẹp nhất, sớm nhất thị trường. Để lấy được giá sỉ tốt nhất, chị chạy theo số lượng hàng nhập khiến việc thua lỗ ngày càng nặng nề hơn.

Cùng chung tâm trạng, chị Thùy Liên, chủ một cửa hàng thời trang nữ trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) thở dài: “Thời tiết ấm nên các loại quần áo đông như áo phao, áo dạ, áo khoác lông vũ, bốt ấm,... đều ế ẩm. Cả tháng nay tôi ngồi chơi dài, mỗi ngày chỉ lác đác vài vị khách”.

Đồ mùa đông không bán được cộng thêm đồ hè vẫn còn tồn kho khiến các chủ shop “méo mặt” vì lo sợ thua lỗ.

Theo chị Liên, doanh thu của cửa hàng không đủ để trả tiền mặt bằng, tiền nhập hàng, tiền nhân viên,... Cùng với đó, người dân ngày càng cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm khiến việc kinh doanh ngày càng trì trệ.

Đẩy mạnh bán hàng online, giảm giá… để đón khách

Theo khảo sát của PV tại một số tuyến phố thời trang sầm uất trên địa bàn TP Hà Nội như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Bà Triệu..., các cửa hàng đều tung ra các chương trình giảm giá từ 50%-80% để kích cầu mua sắm. Các mặt hàng được giảm giá hầu hết là sản phẩm thời trang thu đông như áo phao, áo dạ, áo lông vũ, váy dài…

 Sản phẩm quần áo thu đông ế ẩm do thời tiết.

Sản phẩm quần áo thu đông ế ẩm do thời tiết.

Tuy nhiên, lượng khách ra vào tại các cửa hàng thời trang vẫn thưa thớt dù các chương trình giảm giá vẫn được triển khai.

Thời điểm này, chị Hoài, chủ cửa hàng trên phố Chùa Bộc loay hoay tìm cách kích cầu tiêu dùng. Những năm trước, cửa hàng của chị chỉ thanh lý giá rẻ hàng tồn năm ngoái nhưng mùa đông năm nay, chị buộc phải giảm giá cho toàn bộ mặt hàng đông, điều mà mấy mùa trước cửa hàng không áp dụng.

Ngoài ra, cửa hàng chị còn tập trung phát triển, tiếp cận nhiều khách hàng có nhu cầu mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội. Theo chị Hoài, cửa hàng liên tục livestream nhiều giờ mỗi ngày, đồng thời giảm giá sản phẩm để kích thích tâm lý mua sắm của khách hàng.

“Hiện tại, doanh thu từ việc mua sắm trực tuyến cao gấp 2-3 lần mua sắm tại cửa hàng. Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa đạt kỳ vọng như tôi mong muốn” - chị Hoài chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Hoài cũng chú trọng vào chạy quảng cáo cho fanpage, hợp tác với các KOL để tiếp thị sản phẩm.

“Chắc chắn chi phí bỏ ra sẽ rất cao nhưng về lâu dài sẽ mang lại doanh thu ổn định cho cửa hàng. Giữa rất nhiều shop quần áo thì tôi phải tìm cách để làm nổi bật thương hiệu của mình” - chị Hoài cho biết.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-shop-thoi-trang-o-mien-bac-meo-mat-vi-mua-dong-den-tre-post271729.html