Chủ tịch 2 thành phố lớn 'hiến kế' phát triển kinh tế năm 2021
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương (sáng 28/12), lãnh đạo 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPCHM đều gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những đề xuất, kiến nghị để phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2021.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch thành phố Hà Nội, năm 2021 thành phố chọn chủ đề là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP 7,5% so với năm 2020.
Để đạt được kết quả này, ông Chu Ngọc Anh cho biết sơ lược hàng loạt các đề xuất kiến nghị chuẩn bị tới đây báo cáo Bộ Chính trị. Đó là định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, dự kiến đến tháng 12-2021 để báo cáo Bộ Chính trị; Hai là sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thủ đô, dự kiến báo cáo tháng 12-2021; Ba là báo cáo xung quanh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô 10 năm vừa rồi để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc xác định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử; vừa rỗi thành phố đã có báo cáo về số lượng đại biểu chuyên trách, con số hiện nay là 18 đại biểu chuyên trách đã phát huy hiệu quả vừa rồi, và không làm phát sinh biên chế trong khối dân cử.
Đối với dự án đầu tư công, Chủ tịch Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể quy định điều kiện ghi vốn, cho lập báo cáo tiền khả thi đối với dự án nhóm 3 và một số nội dung khác. Về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Bộ Nội vụ trình nhanh Chính phủ ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ quan tâm, ban hành Nghị quyết hướng dẫn thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM trước ngày 1/1/2021.
Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ông Phong kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, để thành phố kịp thời triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch đã đề ra.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn, giúp địa phương có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển.