Chủ tịch ECB: Các nước không nên ngừng quá sớm các biện pháp hỗ trợ tài chính
Vương quốc Anh trở thành quốc gia mới nhất ở châu Âu gia hạn các biện pháp hỗ trợ tài chính trong khủng hoảng COVID-19
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde mới đây cho biết chính phủ các nước có thể làm chậm trễ sự phục hồi kinh tế sau giai đoạn sụt giảm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nếu ngừng quá sớm các biện pháp hỗ trợ tài chính.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn với GZERO Media, một công ty con của tập đoàn Eurasia Group, bà Lagarde cho rằng việc ngừng quá sớm các hỗ trợ tài chính chẳng hạn như những chương trình ưu đãi dành cho người lao động sẽ dẫn tới sự thiếu ổn định trong quá trình hồi phục kinh tế.
Ngoài ra, theo bà Lagarde, diễn biến tiếp theo của dịch COVID-19 và sự sẵn có của vắc-xin ngừa COVID-19 trong thời gian tới là những yếu tố chính khác có thể khiến sự hồi phục kinh tế của các nước thiếu sự ổn định và bền vững.
Chính phủ các nước trên toàn châu Âu đã triển khai sự hỗ trợ chưa từng có sau giai đoạn áp dụng lệnh phong tỏa chống COVID-19 để giảm bớt đà đi xuống của các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nhiều công ty trong lĩnh vực dịch vụ dự kiến sẽ phải chịu đựng ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 trong thời gian dài hơn, làm gia tăng sức ép đối với chính phủ các nước trong việc phải duy trì các biện pháp hỗ trợ bất chấp chi phí gia tăng.
Vương quốc Anh trở thành quốc gia mới nhất ở châu Âu gia hạn các biện pháp hỗ trợ tài chính trong khủng hoảng COVID-19 khi ngày 24/9 vừa qua tuyên bố sẽ trợ cấp tiền lương cho người lao động bán thời gian, gia hạn các khoản tín dụng cho các công ty bị ảnh hưởng của lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 và giảm thuế bán hàng trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, Đức gần đây đã phân bổ khoảng 10 tỷ euro (11,6 tỷ USD) để kéo dài chương trình việc làm ngắn hạn cho đến cuối năm 2021./.