Chủ tịch Hà Nội: Phải 'nghĩ lớn, làm lớn' để phát triển làng nghề
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của Thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững.
Ngày 5/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được Thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được; quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Hội nghị đã nhận được ý kiến, kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp, liên quan đến các nội dung chính như: Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; các cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề về vốn vay, đào tạo... và nhóm vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp làng nghề, đại diện các sở, ngành Thành phố đã giải đáp các vướng mắc. Trả lời về vấn đề vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho hay, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, Ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tháo gỡ về vốn cho các doanh nghiệp, làng nghề; có chính sách, cơ chế điều chỉnh giãn, giảm thuế, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng đã và đang có các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay; có những sản phẩm gói tín dụng, sản phẩm vay ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề có thể tiếp cận…
Liên quan đến vấn đề xúc tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao HPA.
Thời gian qua, HPA đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Tại các hội chợ này HPA đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm tới du khách cũng như doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu. Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đầu năm 2024, HPA đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân Lào. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ánh Dương nói.
Đồng thời cho biết, HPA sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình lớn như Đặc sản vùng miền, các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như: Những ngày Hà Nội tại Điện Biên, Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh… HPA mong muốn kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm làng nghề tại các chương trình này.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, HTX làng nghề. Hiện riêng doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/50 giá trị thành phố Hà Nội sản xuất ra. Đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở khu vực nông thôn. Quan trọng hơn là nơi chúng ta lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; mang văn hóa ra thế giới, giao lưu với thế giới.
Khẳng định lĩnh vực này, cấp ủy, cả hệ thống chính quyền từ Thành phố đến quận, huyện rất quan tâm. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thẳng thắn cho biết, có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp chính quyền khiến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô…
Do đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, chúng ta phải nghĩ lớn làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…
“Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của Thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Thành phố Hà Nội cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…tiến tới xây dựng Hà Nội chúng ta “Văn hiến, văn minh, hiện đại”.