Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Báo cáo của Chính phủ truyền cảm hứng, củng cố lòng tin

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về kinh tế - xã hội đã truyền cảm hứng, củng cố lòng tin và lan tỏa tinh thần tích cực đến từng cán bộ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp…

Truyền cảm hứng, củng cố lòng tin

Theo báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội, bức tranh kinh tế trong 3 quý của năm 2024 tương đối khả quan. Trong đó, nổi bật là kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200.000 tỉ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỉ USD; thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm; nhất là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Bức tranh kinh tế 3 quý đầu năm khả quan

Bức tranh kinh tế 3 quý đầu năm khả quan

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng báo cáo đã truyền cảm hứng, củng cố lòng tin và lan tỏa tinh thần tích cực đến từng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người dân, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Châu, đây là cơ sở thực tiễn và là nội lực thực tế để Chính phủ xây dựng “mục tiêu tổng quát” của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với các chỉ tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...

Ông Châu cho rằng ấn tượng nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”…

Điển hình nhất là đã hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc lên 2.021km và đã trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, bởi lẽ “giao thông, giao thông và giao thông” tích hợp TOD là một trong các nhân tố nền tảng “để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

“Ông bà ta đã nói “lộ thông - tài thông”, có nghĩa là giao thông thông suốt thì kinh tế mới phát triển tạo ra tài lực dồi dào”, ông Châu nói.

Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp

Dấu ấn nổi bật tiếp theo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, theo ông Châu là “tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khó khăn, vướng mắc phát sinh”.

Trong 9 tháng, Chính phủ ban hành 122 nghị định, 183 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1.154 quyết định, 37 chỉ thị, 104 công điện; tổ chức 3 phiên họp của Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc pháp lý…

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Đáng chú ý, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và đã bước đầu tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn về thể chế pháp luật của hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước. Qua đó giúp cho thị trường bất động sản vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của năm 2023 để phục hồi và từng bước tăng trưởng trở lại theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cầu thị và kịp thời sửa đổi, thậm chí quyết định dừng thực hiện một số quy định không phù hợp, cản trở sự phát triển, điển hình là Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, dừng thực hiện một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP tháo gỡ được khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

“Điều này giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp “hạ cánh mềm”, không bị đổ vỡ và đưa sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động kể từ ngày 19.7.2023, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần phục hồi trở lại theo hướng minh bạch, an toàn, bền vững”, ông Châu nói.

Ông Châu cũng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định dừng thực hiện một số quy định chưa phù hợp của Thông tư 06/2022/TT-NHNN và đã công bố chương trình tín dụng với quy mô 140.000 tỉ đồng do 8 ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp để hỗ trợ tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hoặc UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 79/2024/QĐ-UBND ngày 21/10/2024 về “Bảng giá đất điều chỉnh” hợp tình hợp lý và sát với thực tế hơn…

Ông Lê Hoàng Châu tin tưởng cả nước sẽ đạt được “mục tiêu tổng quát” và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 là tiền đề “để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Với bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2024. Tuy vậy, những thách thức phải đối mặt ở thời gian tới vẫn còn rất nhiều như hậu quả của bão Yagi, áp lực lạm phát, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản, năng lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thích ứng trước các xu hướng mới của thế giới chưa cao… Do đó, để có thể giữ đà tăng trưởng, cần chính sách linh hoạt ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô...

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-horea-le-hoang-chau-bao-cao-cua-chinh-phu-truyen-cam-hung-cung-co-long-tin-225279.html