Chủ tịch Khamtai Siphandone - Nhà lãnh đạo luôn nhận được sự yêu mến, tin cậy từ nhân dân các dân tộc Lào

Ngày 8/2 tới đánh dấu tròn 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Khamtai Siphandone của đất nước Lào. Là vị lãnh đạo có tinh thần yêu nước cao cả, Chủ tịch Khamtai Siphandone dành tất cả trí tuệ và sức lực, kề vai sát cánh Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển và giành được kết quả toàn thắng, đưa đất nước Lào từng bước tiến lên mục tiêu Chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc.

Ngày 8/2/2024 đánh dấu kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Khamtai Siphandone

Ngày 8/2/2024 đánh dấu kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Khamtai Siphandone

Chủ tịch Khamtai Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của cách mạng Lào, đã cùng với các vị lãnh đạo khác đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng Tổ quốc thoát khỏi sự cai trị của đế quốc ngoại bang cũng như sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chủ tịch Khamtai Siphandone là vị lãnh đạo có tinh thần yêu nước cao cả, hi sinh tất cả trí tuệ và sức lực một cách không mệt mỏi, kề vai sát cánh với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các vị lãnh đạo khác tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng trưởng thành phát triển và giành được những thắng lợi liên tiếp, giành được kết quả toàn thắng và đưa đất nước Lào từng bước tiến lên mục tiêu Chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc. Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn nhận được sự yêu mến và tin cậy từ tập thể lãnh đạo cũng như cán bộ chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã được giao nhiều trọng trách quan trọng, từ đại biểu Chính phủ Lào Issara khu vực Nam Lào, trở thành Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu vực miền Trung, rồi Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào Issara và Mặt trận Lào yêu nước, Ủy viên trung ương Đảng; được nhận quân hàm Đại tướng và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Quân giải phóng nhân dân Lào và tiếp đến là Quân đội nhân dân Lào; Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; Thủ tướng và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Lào.

Cuộc đời niên thiếu và điểm khởi đầu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Khamtai Siphandone

Chủ tịch Khamtai Siphandone sinh ngày 8/2/1924 trong gia đình nông dân chăm chỉ siêng năng tại bản Hua-khổng-phạ-nhay, huyện Khổng, tỉnh Xi- phăn-don (nay là tỉnh Chăm-pa-sắc), là con trai của ông Ni-la-xay và bà Xải-bua Ni-la-xay, có 6 chị em, là gia đình có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương.

Năm 1931, khi vừa tròn 7 tuổi, ông Mạ-hả-kẹo, là ông ngoại (anh ruột của bà ngoại), là viên chức ngành giáo dục tại Vientiane đã đưa Chủ tịch Khamtai Siphandone về ở cùng và học tại Vientiane trong 10 năm, khi tốt nghiệp trường trung học Pavie (College PAVIE), Chủ tịch Khamtai Siphandone được đi học tiếp tại Sài Gòn (miền Nam Việt Nam).

Năm 1945, sau khi tốt nghiệp ở Sài Gòn, Chủ tịch Khamtai Siphandone trở lại Lào và được nhận vào làm viên chức ở tỉnh Phông-xá-lỵ, tiếp đó bọn thực dân Pháp cai trị Lào đã chấp nhận để cho bọn phát xít Nhật nắm quyền cai trị Đông Dương, Chủ tịch Khamtai Siphandone được gửi đến Côn Minh (Trung Quốc), từ đó đã lên đường đi Can-cút-ta, Ấn Độ và trở lại Sài Gòn, Việt Nam. Khi đi qua các nước, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã được thấy và tiếp xúc trực tiếp với phong trào đấu tranh chống đế quốc xâm lược của các nước đó.

Năm 1946, Chủ tịch Khamtai Siphandone trở lại Lào và được nhận vào làm viên chức ở Pạc-xê (công việc thư tín), trong thời gian ngắn Lào một lần nữa nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đã nảy sinh phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã tham gia phong trào của viên chức, thanh niên, học sinh sinh viên; thành lập hội thể thao để hoạt động đấu tranh chống lại bọn xâm lược Pháp một cách hợp pháp và bí mật.

Năm 1947, trong điều kiện không thể tiếp tục tiến hành đấu tranh chống Pháp theo hình thức hợp pháp và bí mật dược nữa, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã liên lạc với phong trào Lào Issara tại khu căn cứ thuộc vùng biên giới Lào-Thái Lan để tham gia lực lượng của Mặt trận Lào Issara. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, cũng là điểm khởi đầu của cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Khamtai Siphandone.

Hoạt động cách mạng của Chủ tịch Khamtai Siphandone

Tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp ở miền Nam

Sau khi gia nhập lực lượng đấu tranh, Chính phủ Lào kháng chiến đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Khamtai Siphandone trở thành người giúp đỡ Chính phủ Lào kháng chiến trong việc lãnh đạo lực lượng quân đội Lào It-xa-la, tiếp đó được giao trọng trách Tổng tham mưu trưởng quân đội Lào It-xa-la và được giao trọng trách chỉ huy quân đội chiến đấu chống lại thực dân đế quốc với danh nghĩa Quân đội Lào kháng chiến. Ở mỗi nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, đặc biệt là việc xây dựng và củng cố lực lượng Quân đội Lào It-xa-la trở nên vững mạnh.

Năm 1947, lực lượng kháng chiến Lào tại Thái Lan bị tổn thất phải chuyển về đất Lào (phía đông tỉnh Xa-la-văn), khu vực dãy Trường Sơn gần với khu vực Liên khu 5 của Việt Nam. Trong năm này, Chủ tịch Khamtai Siphandone với tư cách đại biểu Chính phủ Lào kháng chiến đã gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, đại biểu thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi.

Hai bên đã thống nhất về chính sách, hình thức và cách thức để phối hợp giúp đỡ lẫn nhau cùng chiến đấu chống lại thực dân Pháp vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của hai nước. Cuộc gặp của hai đồng chí là dấu mốc quan trọng của sự hình thành liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam. Chủ tịch Khamtai Siphandone là người trong lực lượng kháng chiến của Lào mà có vai trò quan trọng trong việc xác định chiến lược, đường lối đấu tranh chống Pháp thông qua việc coi công tác xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng căn cứ địa tại Lào trên cơ sở nắm lấy nhân dân, dựa vào nhân dân để tiến hành đấu tranh. Điều này đã giúp cho phong trào đấu tranh chống Pháp ngày càng phát triển và giành được thắng lợi.

Tháng 2/1949, Chủ tịch Khamtai Siphandone ra quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến khu Hạ Lào do đồng chí Xi-thôn Côm-ma-đăm làm Chủ tịch Khu, vừa là người chỉ huy khu Hạ Lào và cử đồng chí Xổm Ma-nô-vông làm Chủ tịch hành chính tỉnh.

Tháng 10/1949, Chủ tịch Khamtai Siphandone cùng Ủy ban kháng chiến Hạ Lào đến hoạt động tại tỉnh At-ta-pư, khu vực Xê-piên và Chủ tịch Khamtai Siphandone đã lấy khu vực chiến lược này xây dựng thành khu căn cứ kháng chiến, với khu vực bản May và bản Hỉn-lạt làm trung tâm.

Với tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Khamtai Siphandone đã tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh tại khu vực miền Nam phát triển nhanh chóng và đạt được thắng lợi, chính quyền cũ bị xóa bỏ, chính quyền mới cấp bản, xã và huyện của tỉnh At-ta-pư và Chăm-pa-sắc được thành lập.

Lãnh đạo kháng chiến ở khu vực Trung Lào

Cuối năm 1949-1950, thực dân Pháp tiến hành âm mưu dùng người Lào để đánh người Lào, phá hoại phong trào đấu tranh một cách khốc liệt. Đầu năm 1952, kẻ thù tiến hành càn quét khu căn cứ miền Trung hòng chia cắt khu Trung ra làm nhiều phần. Trước tình thế cấp bách đó, trung ương đã cử Chủ tịch Khamtai Siphandone đến củng cố lực lượng tại miền Trung. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã đến gặp Ủy ban chịu trách nhiệm khu vực miền Trung, khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng về mọi mặt nhắm vào cơ sở, dựa vào nhân dân và nắm lấy nhân dân. Với sự chỉ đạo đúng đắn và sát hợp với thực tế của Chủ tịch Khamtai Siphandone, trong thời gian ngắn đã khiến cho phong trào đấu tranh tại Trung Lào được phục hồi và phát triển nhanh chóng.

Tháng 8/1950, Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến toàn quốc lịch sử được khai mạc tại miền Trung. Tại Đại hội lần này, Chủ tịch Khamtai Siphandone được bầu làm Ủy viên trung ương Mặt trận Lào Issara và sau đó được giao nhiệm vụ làm việc tại Văn phòng Trung ương Mặt trận Lào Issara và Văn phòng Chính phủ kháng chiến.

Cuối năm 1953, thông qua phối hợp giữa lực lượng kháng chiến Lào và Việt Nam, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã mở chiến dịch Trung Lào và thành lập bộ chỉ huy chiến dịch gọi tắt là "mặt trận D" và được cử làm Tư lệnh chiến dịch này, tiến công giải phóng thị xã Thà-khẹc. Ngày 25/01/1953, Chủ tịch đã chỉ huy lực lượng vũ trang tiến công dọc theo đường số 9, tiêu diệt quân địch ở gần huyện Phin và huyện Hủa-xiu. Cuối tháng 4/1954, chiến dịch Trung Lào kết thúc, quân địch bị đánh bại nặng nề trên toàn mặt trận 3 nước Đông Dương, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương. Chủ tịch Khamtai Siphandone chuẩn bị lực lượng về tập kết tại 2 tỉnh Hủa phăn và Phông-xả-ly.

Lãnh đạo chỉ huy đấu tranh bảo vệ 2 tỉnh tập kết và thực hiện hòa hợp dân tộc

Năm 1955, Chủ tịch Khamtai Siphandone được giao lãnh đạo-chỉ huy bảo vệ 2 tỉnh tập kết và thực hiện hòa hợp dân tộc. Đồng thời, còn được giao lãnh đạo công tác tại 10 tỉnh và là cán bộ kiểm tra việc thực hiện Hiệp định Geneva của Ủy ban quốc tế tại Lào. Chủ tịch Khamtai Siphandone cùng các nước thành viên đoàn kiểm tra quốc tế đã chủ động kiểm tra việc tổ chức thực hiện Hiệp định và bắt buộc phe đối lập phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Tháng 3/1955, quân địch mở cuộc tấn công 2 tỉnh tập kết hòng xóa sổ lực lượng cách mạng tại 2 tỉnh và khu căn cứ cũ tại 10 tỉnh. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã lãnh đạo chỉ huy trực tiếp tại mặt trận huyện Pợn (Xăm-nửa), khiến quân địch phải rút lui.

Năm 1956, Chủ tịch Khamtai Siphandone trở thành ủy viên Ban lãnh đạo trung ương Đảng và nhận nhiệm vụ chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp công tác xây dựng cơ sở tại 10 tỉnh. Quân địch bị thất bại trong việc tấn công 2 tỉnh tập kết nên phải trở lại đàm phán với lực lượng Pa-thét Lào, Trung ương Đảng đã thành lập Ban đàm phán, trong đó Chủ tịch Khamtai Siphandone là Phó Trưởng Ban về quân sự. Chủ tịch cùng Ban quân sự trung ương đã bố trí lực lượng vũ trang sẵn sàng đối phó với sự trở mặt của quân địch.

Lãnh đạo chiến đấu chống chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai dẫn tới Hiệp định Vientiane năm 1973

Bước sang năm 1964-1965, đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục leo thang chiến tranh đặc biệt tại Lào hòng xóa sổ lực lượng cách mạng Lào, khiến cho chiến tranh đặc biệt trở thành chiến tranh đặc biệt tăng cường. Trước tình hình mới, Chủ tịch Khamtai Siphandone cùng Đảng ủy quân sự trung ương và Bộ chỉ huy tối cao đã mở nhiều cuộc họp, đặc biệt là cuộc họp rút kinh nghiệm trong chiến đấu; củng cố lực lượng vũ trang về mặt số lượng và chất lượng để tiếp tục đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai.

Tháng 7/1967, Đảng ủy quân sự trung ương do Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Khamtai Siphandone lãnh đạo đã mở hội nghị quân sự-chính trị tại huyện Viêng-xay. Hội nghị đã xác định chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang, việc đánh bại quân địch với phương châm "lấy ít địch nhiều", "lấy chất lượng thắng số lượng". Hội nghị lần này đã đổi tên đội quân Pa-thét Lào trở thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào, do Chủ tịch Khamtai Siphandone làm chỉ huy tối cao duy nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy quân sự trung ương và Bộ chỉ huy tối cao. Trong các năm 1966, 1967, 1968 lực lượng cách mạng đã đánh bại quân địch trên khắp các mặt trận ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào.

Năm 1969, đế quốc Mỹ đề ra chiến lược toàn cầu mới có tên "Học thuyết Nich-xơn", đẩy mạnh chiến tranh đặc biệt lên cấp độ cao hơn, chuyển thành "chiến tranh cục bộ", dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương. Tại Lào, chúng mở chiến dịch quy mô lớn tên gọi "chiến dịch Cù Kiệt" tiến công Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Chủ tịch Khamtai Siphandone cùng Đảng ủy quân sự đã tăng cường chỉ đạo trực tiếp, động viên bộ đội và nhân dân đánh bại chiến dịch Cù Kiệt và các chiến dịch khác, giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 3/2/1972, tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng, Chủ tịch Khamtai Siphandone được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị trung ương Đảng. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ 2 của Đảng, Chủ tịch Khamtai Siphandone tiếp tục chỉ đạo chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp giành thắng lợi, khiến cho Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Vientiane ngày 21/2/1973.

Lãnh đạo đấu tranh thực hiện Hiệp định Vientiane năm 1973 và giành chính quyền trong cả nước

Hiệp định Vientiane ngày 21/2/1973 là thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, là cơ sở chính trị và pháp luật để nhân dân Lào tiếp tục đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cuối năm 1973, sự nổi dậy của quần chúng tại các đô thị trong cả nước để yêu cầu thực hiện Hiệp định Vientiane đã trở thành phong trào sôi nổi. Chủ tịch Khamtai Siphandone với danh nghĩa Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng và là người chỉ huy cao nhất của Quân giải phóng nhân dân Lào đã tích cực củng cố lực lượng vũ trang và xây dựng thế trận toàn diện trong cả nước để phối hợp với cuộc nổi dậy của nhân dân.

Ngày 14/9/1973, phe Vientiane chấp nhận ký kết Nghị định thư Vientiane. Chủ tịch Kaysone Phomvihane giao cho Chủ tịch Khamtai Siphandone khẩn trương cử lực lượng quân đội và công an tiến về thủ đô Vientiane và Luông-pha-bang để bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cách mạng tại 2 thành phố và bắt buộc phái hữu phải thực hiện cương lĩnh chính trị 18 điểm của Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương.

Đầu năm 1975, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng đã đánh giá các yếu tố đối với khả năng nổi dậy giành chính quyền trong cả nước. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã đề xuất tại Hội nghị 3 bước chiến lược để giành chính quyền. Ngày 23/8/1975, nhân dân thủ đô Vientiane đã tập hợp mít tinh để tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, lành lập chính quyền cách mạng mới của thủ đô Vientiane. Trong các ngày 01-02/12/1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lịch sử đã diễn ra, Đại hội đã tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân.

Vai trò quan trọng của Chủ tịch Khamtai Siphandone trong việc chỉ đạo-lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và sự nghiệp đổi mới của Đảng

Chủ tịch Khamtai Siphandone với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Lào đã kề vai sát cánh với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các vị lãnh đạo khác cùng nhau nghiên cứu và đề ra đường lối chính sách trong từng giai đoạn một cách đúng đắn phù hợp và lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và pháp luật đã ban hành trong từng giai đoạn để đem lại kết quả thực tế. Tiêu biểu là lãnh đạo tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là sự nghiệp bảo vệ chế độ mới và xây dựng đất nước.

Ngày 15/8/1991, Hội nghị Hội đồng nhân dân tối cao Khóa II đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa DCND Lào, đồng thời đã thông qua việc bầu Chủ tịch Kaysone Phomvihane làm Chủ tịch và bầu Chủ tịch Khamtai Siphandone làm Thủ tướng và khi Chủ tịch Kaysone Phomvihane qua đời, ngày 24/11/1992, Hội nghị Bộ Chính trị trung ương Đảng đã thống nhất bầu Chủ tịch Khamtai Siphandone làm Chủ tịch Đảng NDCM Lảo.

Với tư cách người đứng đầu Chính phủ và tiếp đó là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và là Chủ tịch nước, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với nhiệm vụ được giao, đã chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận của Đảng, tầm nhìn, chiến lược, đường lối, chính sách phát triển đất nước trong dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn cho phù hợp với điều kiện cơ chế mới, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nổi bật là tầm nhìn chiến lược đến năm 2020; việc xác định cơ cấu kinh tế; phân cấp quản lý theo ngành; 8 kế hoạch ưu tiên; Nghị quyết về việc phát triển nguồn nhân lực; Nghị quyết về việc xây dựng cơ sở chính trị và phát triển nông thôn toàn diện; Chỉ thị về việc chuyển đổi tỉnh trở thành đơn vị chiến lược, chuyển huyện thành đơn vị kế hoạch-tài chính, chuyển bản trở thành đơn vị tổ chức thực hiện; Chỉ thị của Bộ Chính trị trung ương Đảng về việc xây dựng bản và cụm bản phát triển theo 4 nội dung trong 4 mục tiêu; Nghị quyết về công tác văn hóa trong thời kỳ mới.

Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã chỉ đạo tổng kết 10 năm đổi mới và thông qua 5 bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới tại Lào và ban hành Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tất cả những hoạt động đó là mồ hôi công sức, trí tuệ và tư tưởng sáng tạo không mệt mỏi của Chủ tịch Khamtai Siphandone trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng để đem lại kết quả thực tế như ngày hôm nay.

Hoạt động của Chủ tịch Khamtai Siphandone sau khi nghỉ hưu

Tháng 6/2006, Đại hội lần thứ VIII của Đảng NDCM Lào tưng bừng diễn ra với không khí hoan nghênh những kết quả và thắng lợi giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Khamtai Siphandone là người đứng đầu. Tại Đại hội lần này Chủ tịch Khamtai Siphandone đã tuyên bố từ chức về nghỉ hưu.

Việc nghỉ hưu của Chủ tịch Khamtai Siphandone có mục đích rõ ràng để cho thế hệ lãnh đạo trẻ được kế thừa vị trí một cách thuận lợi và chịu trách nhiệm trước sự nghiệp của Đảng trong điều kiện mới đặt ra yêu cầu người lãnh đạo phải có trí tuệ và sức lực cần thiết để lãnh đạo đất nước đi theo lý tưởng của Đảng.

Từ khi nghỉ hưu từ năm 2006 đến nay, Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn quan tâm lo lắng và hiến dâng bản thân cho Tổ quốc, vì nhân dân một cách không mệt mỏi. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã dành thời gian nghỉ ngơi để đi thăm và có ý kiến giúp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng-Nhà nước ở trung ương và địa phương; ra sức xây dựng trang trại, dự án sản xuất kiểu mẫu, xây dựng những công trình phúc lợi công cộng cho cộng đồng với việc động viên, khuyến khích nhân dân cùng tham gia vừa được làm chủ trên thực tế; ngoài ra còn tiếp đón nhiều vị khách ở trong và ngoài nước, tiêu biểu như:

- Chủ tịch Khamtai Siphandone đã dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi tại tỉnh Chăm-pa- sắc nhằm: (i) để cho các đồng chí lãnh đạo kế tiếp tự mình làm chủ trong công tác quản lý-lãnh đạo và (ii) lãnh đạo cơ sở nhân dân làm thật, tạo sự phát triển thật.

- Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Chủ tịch Khamtai Siphandone vẫn tiếp tục hi sinh bản thân để tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh và có khả năng thực hiện sứ mệnh lịch sử từng bước xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thực sự và Chủ tịch Khamtai Siphandone muốn lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối của Đảng đạt được kết quả nhằm đạt được mục tiêu đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc, xã hội đoàn kết một lòng, dân chủ, công bằng và thịnh vượng. Vì vậy Chủ tịch Khamtai Siphandone đã coi việc nghỉ hưu là cơ hội tốt được đóng góp ý kiến thẳng thắn về việc chấn chỉnh, giải quyết những vấn đề trong nội bộ Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh và nâng cao năng lực lãnh đạo. Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn nhấn mạnh việc tiến lên mục tiêu chủ nghĩa xã hội sẽ hoàn thành hay không, vấn đề quyết định là vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với việc nâng cao năng lực lãnh đạo cho tương xứng với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, làm được như vậy Đảng mới giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo và giúp cho nhân dân có niềm tin vào Đảng.

Với tấm lòng lo lắng cho vai trò lãnh đạo của Đảng và hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã luôn dành thời gian đến thăm các địa phương cơ sở để từ mình lắng nghe ý kiến của đảng viên, cán bộ và nhân dân. Đi đến nơi nào Chủ tịch Khamtai Siphandone cũng gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo cũng như đảng viên, cán bộ nơi đó, cho ý kiến chỉ đạo về việc kiên định đường lối và mục tiêu của Đảng về nguyện vọng của nhân dân và tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia tổ chức thực hiện đường lối của Đảng một cách thực sự; phải kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội và việc tổ chức thực hiện đường lối cho đúng đắn, tuyệt đối không được xa rời đường lối và mục tiêu đã đề ra. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã luôn nhấn mạnh về việc chấn chỉnh phong cách và hình thức hoạt động của Đảng, đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực làm suy yếu vai trò của Đảng như cơ hội, tham nhũng, ăn chơi lãng phí, thiếu gương mẫu, đồng thời kiên quyết đẩy lùi chủ nghĩa bảo thủ và hoạt động chỉ mang tính hình thức nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm. Khi gặp gỡ với cán bộ, lãnh đạo ở trung ương và địa phương, Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn nhấn mạnh: phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và trở thành lực lượng tiên phong, tạo được kết quả rõ ràng trong giai đoạn mới; phải tập trung giải quyết các hiện tượng tiêu cực khiến cho Đảng mất vai trò lãnh đạo.

Chủ tịch Chủ tịch Khamtai Siphandone đã dành thời gian nghỉ ngơi để đi xuống tiếp xúc với cuộc sống thực tế của nhân dân, tìm hiểu những vấn đề và nhu cầu của người dân xem họ cần gì để từ đó nghiên cứu tìm kiếm cách thức giúp đỡ người dân, hướng dẫn và lãnh đạo người dân làm thật, thể hiện rõ nhất là khi Chủ tịch Khamtai Siphandone nghỉ hưu ở quê nhà (bản Hua-khổng-phạ-nhay, huyện Khổng, tỉnh Chăm-pa-sắc) và tại huyện Pạc-xong, đã lãnh đạo-huy động người dân và các đơn vị xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm y tế, đào nước giếng, xây dựng chợ cho các bản vùng nông thôn hẻo lánh để cho con em và nhân dân các dân tộc được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, y tế và các dịch vụ khác một cách rộng khắp; giúp củng cố và khôi phục trường mỹ thuật của tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch Khamtai Siphandone còn chỉ đạo các đơn vị quân đội trồng trọt, chăn nuôi, giúp xây dựng nhà máy sản xuất gạch; đóng tàu rồi bàn giao cho huyện và tỉnh để làm dịch vụ du lịch và các dự án kiểu mẫu như: trung tâm nông nghiệp, trung tâm cây trồng, trung tâm nuôi cá, trung tâm nuôi đà điểu, chim công, trồng cỏ nuôi bò, trâu, dê và xây dựng đập thủy điện quy mô nhỏ tại một số địa điểm để làm nguồn sản xuất điện, vừa làm hồ chứa nước phục vụ trồng trọt và chăn nuôi.

Việc nghỉ hưu nhưng gắn liền với lao động và làm các công việc như nói đến ở trên không phải vì lợi ích cá nhân và gia đình của Chủ tịch Khamtai Siphandone, đó là sự nghỉ ngơi tích cực với những hành động mong muốn cho đường lối của Đảng đạt được kết quả thực tế, vừa có ích trong việc nghiên cứu, học tập của nhân dân các dân tộc vì sự phát triển không ngừng.

Việc làm trang trại và các dự án phát triển của Chủ tịch Khamtai Siphandone nhằm nghiên cứu học tập, thử nghiệm xem cái nào được hoặc chưa được để rút ra bài học kinh nghiệm và tổ chức triển khai nhân rộng nhằm động viên-thu hút người đến đầu tư vào các dự án đó và tất cả các dự án Chủ tịch Khamtai Siphandone đã xây dựng như công trình thủy lợi, hồ chứa nước, trang trại, nhà máy chế biến đều nhằm nghiên cứu, học tập và tập huấn bồi dưỡng cho nhân dân và người nông dân, có thể coi như "trường đại học sinh động" cho người dân.

Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn lo lắng muốn làm cho đường lối Đảng đã đề ra đạt được kết quả thực chất, nhất là đường lối kiện toàn chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng các yếu tố nền tảng để đưa đất nước tiến lên mục tiêu chủ nghĩa xã hội theo hình mẫu thực tế của đất nước Lào. Chủ tịch Khamtai Siphandone đã lãnh đạo tiến hành thực tế tại huyện Xả-nam-xay, tỉnh At-ta-pu, trong đó tập trung phát triển bản ấm no. Mục đích chính của Chủ tịch Khamtai Siphandone là nhằm xây dựng bản có cơ sở hạ tầng, có cơ sở sản xuất vững chắc, bền vững, phát huy thế mạnh sẵn có, làm cho bản trở thành bản phát triển toàn diện, người dân có thu nhập ổn định, có mức sống ngày càng được nâng cao và tiến tới làm cho mỗi gia đình ấm no hạnh phúc, đất nước giàu mạnh. Đó là mục tiêu mà Đảng ta đề ra từ đó mở rộng đến các nơi khác trong cả nước.

Mặc dù đã nghỉ hưu, Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn lo lắng và quan tâm theo dõi tình hình đất nước. Chủ tịch Khamtai Siphandone vẫn tiếp tục hoạt động không mệt mỏi để góp phần vào công cuộc củng cố xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước trở thành nhà nước pháp quyền và phục vụ nhân dân với sự trong sạch.

Tóm lại, Chủ tịch Chủ tịch Khamtai Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ gây dựng phong trào và khai phá con đường cách mạng ở Lào, bất cứ khi nào cũng vững vàng về chính trị, ý thức đối với tổ chức, có tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao; bắt đầu là người cán bộ bình thường trở thành người chỉ đạo, chỉ huy và lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, kề vai sát cánh cùng Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận Lào yêu nước giành lấy thắng lợi, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975; tiếp đó đã góp phần nghiên cứu và xác định phương hướng chiến lược bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước, bao gồm cả đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp, đồng thời đã lãnh đạo-chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đạt được thành công trên nhiều mặt.

Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn nhận được sự yêu mến và tin cậy từ tập thể lãnh đạo, cũng như cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Khamtai Siphandone, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Lào ghi nhớ công ơn và tích cực nghiên cứu học tập phẩm chất tốt đẹp của đồng chí, áp dụng vào việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chu-tich-khamtai-siphandone-nha-lanh-dao-luon-nhan-duoc-su-yeu-men-tin-cay-tu-nhan-dan-cac-dan-toc-lao-102240206183452633.htm