Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam: Kinh tế tập thể, HTX còn nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ
HTX đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Việc tích cực áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến sẽ giúp khu vực này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.
Tại Hội nghị trao quyết định trúng tuyển, tiếp nhận và triển khai Luật HTX năm 2023, diễn ra vào ngày 27/9, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân, cho biết khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX) hiện đang phát triển mạnh mẽ và đúng theo bản chất của mô hình này. Sự phát triển này một phần nhờ vào vai trò kết nối của Liên minh HTX, giúp các HTX tiếp cận hiệu quả với các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó hỗ trợ phát triển bền vững.
So với thế giới, nơi có 204 quốc gia phát triển HTX, số lượng HTX ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Trong khi trung bình mỗi quốc gia có khoảng 15.700 HTX, thì Việt Nam đã có tới 32.000 HTX. Về đóng góp vào GDP, mức trung bình của HTX toàn cầu là 10%, còn khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam hiện đóng góp khoảng 4,8% vào GDP mỗi năm.
Ngoài ra, khu vực kinh tế tập thể, HTX còn gián tiếp thúc đẩy kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng vào phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình, chiếm khoảng 30% GDP của cả nước.
Những con số này cho thấy khu vực kinh tế tập thể, HTX đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế quốc gia. Tính đến nay, khu vực này đã thu hút trên 6,94 triệu thành viên (tăng 31.770 thành viên so với cùng kỳ năm 2023) và 2,59 triệu lao động (tăng 48.448 lao động so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng vốn điều lệ đạt trên 58,2 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,91 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản đạt trên 191 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Một điểm đáng chú ý khi tham gia HTX là người dân nhận được rất nhiều lợi ích như: được hỗ trợ về kỹ thuật, đảm bảo đầu vào và đầu ra, được liên kết sản xuất trên quy mô lớn, và hỗ trợ về vốn. Tuy nhiên, nông dân sẽ "mất" đi sự tự do quá mức, bởi không thể tự do làm theo ý mình mà phải tuân thủ quy trình sản xuất, kỹ thuật và sự điều hành của ban quản lý HTX. Dù vậy, việc này mang lại rất nhiều lợi ích cho họ.
Những lợi ích này được các chuyên gia đánh giá là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong việc xây dựng các cánh đồng lớn và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế tập thể, HTX bởi ở nhiều quốc gia, HTX vẫn là công cụ chủ yếu giúp người dân nông thôn, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số tạo dựng cuộc sống và nâng cao thu nhập. Đặc biệt, với nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã được ký kết, cơ hội phát triển thị trường và thúc đẩy giao thương hàng hóa ngày càng rộng mở.
Tại Việt Nam, với quy mô dân số 96,2 triệu người và 26,8 triệu hộ cá thể, nhu cầu liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh rất lớn, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế tập thể rộng lớn.
Ông Phạm Minh Điển, Trưởng Ban Kế hoạch và Hỗ trợ (Liên minh HTX Việt Nam), nhận định rằng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một nhu cầu tất yếu và là phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của người dân. Điều này cũng đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn, giúp các thành viên HTX cùng hưởng lợi và không để ai bị bỏ lại phía sau.