Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ

Chiều 10.10, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay và tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự cuộc làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Về phía Thành ủy Cần Thơ có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Văn Hiểu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường...

Cùng dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành và Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở, ngành thành phố Cần Thơ.

Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, từ lâu đã được mệnh danh Tây Ðô - thủ phủ miền Tây.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Là một trong 5 đô thị trực thuộc Trung ương, Cần Thơ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước, là giao điểm của hai trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng của vùng ĐBSCL (hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ), trong Tứ giác trung tâm vùng.

Thành phố Cần Thơ kết nối trực tiếp với các thành phố: Cao Lãnh, Long Xuyên, Vĩnh Long và Sa Đéc tạo thành một vùng trung tâm của ĐBSCL mở rộng. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, góp phần giúp Cần Thơ làm tốt vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Bên cạnh đó, Cần Thơ còn được biết đến như một đô thị miền sông nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích vườn cây ăn trái và đồng ruộng rộng lớn, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng và câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về” bao hàm ý nghĩa trọn vẹn về một vùng sông nước trù phú, nhiều sản vật và môi trường sinh thái, đặc biệt thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội, thành phố Cần Thơ hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững theo định hướng tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị: là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á; là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao, tiên phong trong phát triển đô thị xanh. Tập trung phát triển các lợi thế của vùng ĐBSCL trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng công nghệ mới của thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: Lâm Hiển

Cụ thể hóa Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố, tập trung về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

7/20 chỉ tiêu đạt và vượt tiến độ

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, có 7/20 chỉ tiêu đạt và vượt và 11/20 chỉ tiêu đạt tiến độ. Tuy nhiên, Thành phố cũng chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế khó khăn nên dự kiến có 2/20 chỉ tiêu đạt thấp (chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 5,59%/năm so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra cả nhiệm kỳ 7,5 - 8%/năm và chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người vào năm 2025 đạt khoảng 145 - 160 triệu đồng/người/năm, hiện nay chỉ đạt giữa nhiệm kỳ đạt 94,74 triệu đồng/người/năm).

Lãnh đạo Thành phố cũng nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ, Thành phố đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ đầu tư của trung ương và tích cực huy động các nguồn lực trong ngân sách và vay vốn ODA để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nội vùng và liên vùng; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, thúc đẩy phát triển kinh - xã hội.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa TP. Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước; các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực...

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thành phố cũng tập trung xây dựng Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quan tâm công tác chuyển đổi số, công tác cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực giáo dục, xây dựng, công nghệ, môi trường...

Đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, gắn với xây dựng và phát triển đô thị thông minh, đã triển khai và vận hành thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC trên 10 lĩnh vực, nâng cấp Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Cần Thơ lên phiên bản 2.0, trong đó, trọng tâm là xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung... Tập trung xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ chính quyền số...

Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố; đến nay có 26/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu năm 2023 công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng phát triển thành phố bền vững; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện tốt; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, nhất là chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với nước và đối tượng bảo trợ xã hội; các chính sách, dự án giảm nghèo tích cực triển khai, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 0,32%. Thành phố hiện đang tích cực chuẩn bị các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1.1.2004 - 1.1.2024).

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo Thành phố cho biết, UBND thành phố chủ trì thực hiện 14 nhiệm vụ, hiện có 8 nhiệm vụ đã hoàn thành, 5 nhiệm vụ đang tổ chức thực hiện và 1 nhiệm vụ đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện là Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo tại thành phố Cần Thơ kết nối Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đối với danh mục 19 dự án do địa phương thực hiện, thành phố đã cập nhật và triển khai thành 25 dự án, kết quả thực hiện đến nay đã có 10 dự án đang triển khai thực hiện và thi công; 5 dự án đã có quyết định chủ đầu tư của cấp thẩm quyền, được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, đang tổ chức lập thủ tục và trình phê duyệt dự án đầu tư; 8 dự án đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, rà soát quy mô đầu tư đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện và 2 dự án được tổ chức thực hiện sau năm 2024.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Về thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, hiện Thành phố đang xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay khác, thực hiện trong 2 năm 2024 - 2025 để có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng của thành phố. UBND thành phố cũng đang triển khai thực hiện các giải pháp và xây dựng đề án tăng thu ngân sách để khai thác hiệu quả các nguồn thu, đảm bảo tăng thu ngân sách, nhằm thực hiện tự chủ và được hưởng các chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác đối với chính sách về nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Dự kiến tháng 11.2023, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa theo hướng sẽ phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện nạo vét trong vùng nước cảng biển, trong đó sẽ xem xét giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Thành phố cũng đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với 2 khu diện tích 250 ha và đã được các bộ ngành thẩm định, dự kiến Trung tâm sẽ được thành lập ngay sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phát huy cao nhất tiềm nǎng, lợi thế của thành phố và cả vùng

Trong thời gian tới, Thành phố Cần Thơ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của thành phố nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tống hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm nǎng, lợi thế của thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nối vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nối vùng và liên vận quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thương mại; thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm logictics hiện đại; phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế; mở rộng Cảng Thốt Nốt thành cảng cạn ICD có quy mô lớn, phục vụ khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - Thốt Nốt. Hoàn thành các dự án trọng điểm cấp quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, các dự án thành phần của dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logictics khu vực phía Nam.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số và tăng trưởng xanh. Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường kết hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực quan trọng, phát huy lợi thế từng địa phương. Tăng cường hơn nữa vai trò của thành phố trong Hội đồng điều phối vùng trong huy động, phân bổ nguồn lực, ngân sách, các quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cần Thơ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, hướng tới là trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Báo Đại biêu Nhân dân tiếp tục thông tin về cuộc làm việc...

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-thanh-uy-can-tho-i345948/