Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định
Tiếp tục các hoạt động tại tỉnh Bình Định, trong buổi sáng 4/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.
Cùng dự còn có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký - Văn phòng Quốc hội Phan Thị Thùy Linh; lãnh đạo một số bộ và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tới.
Theo đó, trong năm 2023 và 3 năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn và đã đạt được những kết quả tích cực.
Đến nay có 16/22 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025 gồm: 2/5 chỉ tiêu về kinh tế; 8/10 chỉ tiêu về văn hóa-xã hội; 5/5 chỉ tiêu về môi trường; 1/2 chỉ tiêu về xây dựng Đảng đã tiếp cận, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Còn lại 6/22 chỉ tiêu về tăng trưởng sản phẩm địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu ngân sách; tăng tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; giảm nghèo; phát triển đảng viên mới cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn của tỉnh hiện nay. Trong đó, tồn tại và cũng là khó khăn lớn nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, thu ngân sách Nhà nước, nhất là thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tuy có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao; chưa thu hút được các dự án lớn, các doanh nghiệp đầu tàu tạo động lực phát triển.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Định đề nghị Quốc hội, Chính phủ chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phù Cát theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho phép triển khai đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku theo hình thức đầu tư công và quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án để bảo đảm hoàn thành trước năm 2030.
Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét, ưu tiên phân bổ quy mô công suất điện gió ngoài khơi cho tỉnh Bình Định, đưa dự án điện gió ngoài khơi đã đăng ký đầu tư vào Danh mục các dự án nguồn điện phát triển trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; quan tâm điều chỉnh đưa khu vực biển tỉnh Bình Định là “Khu vực ưu tiên khuyến khích phát triển điện gió” trong quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có cơ sở cho việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi trên khu vực biển tỉnh.
Trả lời những đề xuất trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, chứng kiến sự kiện mở ra trang mới, tư duy mới của Bình Định trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, dựa vào phát triển khu công nghiệp, mô hình công nghiệp xanh, mô hình công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thương mại… có thể thấy đây là tư duy cách làm rất mới, giải quyết những xung đột xảy ra.
"Thế nhưng, làm sao để dẫn dắt mô hình này thành công được, với tiêu chí lấy môi trường là trên hết thì công nghiệp phải là công nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn. Nếu không phải như vậy thì không thể tồn tại cùng với thương mại dịch vụ. Thực tế đã có trường hợp phải di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi khu dân cư, hoặc di dời dân ra khỏi khu công nghiệp", Phó Thủ tướng cho biết.
Với việc mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, địa phương đã gửi đề xuất đến Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên thủ tục để từ đất quốc phòng sang đầu tư sân bay dân sự rất phức tạp, trong trường hợp này lấy kinh tế làm trọng tâm phải chuyển mục đích sử dụng đất. Hiện nay với sân bay Phù Cát, tư nhân chưa thể tham gia được. Vì vậy giao cho ủy ban quản lý vốn làm đầu mối để cùng địa phương xây dựng phương án.
Phó Thủ tướng đánh giá, đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có ý nghĩa chiến lược, trong đó hành lang đông-tây sang bắc Campuchia và phía nam Lào sẽ tạo ra hành lang kinh tế, liên thông kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, vốn đầu tư rất lớn, kinh phí trung hạn rất khó khăn. Trong trường hợp này đề xuất giao cho tỉnh Bình Định phối hợp Gia Lai, Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành nghiên cứu đầu tư dự án. Cần phải đưa ra phương án, trình Chính phủ, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ.
Hiện nay, các dự án điện gió ngoài khơi đều vướng, vị trí khảo sát đang trùng lặp với quốc phòng nên cần xem xét mức độ ảnh hưởng. Từ đó mới đưa ra được kiến nghị, Bộ Công thương nghiên cứu, xem xét kiến nghị của tỉnh, nếu cần thiết Thủ tướng làm việc với Bộ Quốc phòng, các địa phương liên quan truyền tải điện, quốc phòng-an ninh. Cơ chế quyết định lựa chọn nhà đầu tư, giá điện, bảo lãnh của Chính phủ nên phải có cam kết về hợp đồng, giá điện tái tạo.
Về tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông đang triển khai, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề này liên quan đất rừng, Chính phủ đang làm nghị định về thay đổi đất rừng, trong thời gian sớm nhất có nghị định này. Tuy nhiên, nghị định có thể sẽ gặp khó khăn do liên quan rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chuẩn bị hồ sơ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại và dựa trên 5 trụ cột, 3 đột phá và 3 cực phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dư địa phát triển của tỉnh vẫn còn rất lớn; do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cần tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hành động, bứt tốc trong những năm tới, không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
“Phải nhận thức sâu sắc vấn đề này, với tầm nhìn phát triển như vậy thì các bộ, ngành Trung ương phải hỗ trợ để Bình Định thực hiện được chức năng là trung tâm vùng. Một mặt là trách nhiệm của tỉnh, nhưng một mặt cũng là trách nhiệm của Hội đồng điều phối Vùng và trách nhiệm của Trung ương, cả bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực cho tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và con người. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định, nhất là Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phải chuẩn bị, đề xuất với Quốc hội.
Trước đó, trong không khí kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, nhân chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ và các văn thần, võ tướng kiệt xuất của triều đại Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Trước anh linh của các bậc tiền nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác nguyện luôn đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Khương năm nay 93 tuổi và gia đình thương binh Đinh Dương Hải.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã vận động nguồn xã hội hóa kinh phí hỗ trợ tỉnh Bình Định xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị 5 tỷ đồng.