Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trong điều kiện pháp luật cho phép, phải bảo vệ người tiêu dùng ở mức độ cao nhất

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng sau 12 năm thực thi với những bất cập hiện hữu. Song cũng chỉ rõ, đây là dự án luật khó, phạm vi rộng, vì vậy ngay từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nếu không xác định rõ sẽ khó đảm bảo thực thi.

Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Tuy nhiên trong lần sửa đổi lần này, khái niệm người tiêu dùng được hiểu là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại. Việc bỏ “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng khiến nhiều đại biểu lo ngại.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách: “Tôi cho rằng ở đây chưa đủ, nếu cả nhân là một công chức hoặc một nhân viên trong công ty mua hàng hóa về cho công ty mình thì lại không có, trong khi hoạt động này ở thực tế diễn ra nhiều, tôi nghĩ phải bổ sung thêm, nếu không sẽ thiếu không điều chỉnh được."

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “ Nội dung này trong dự án luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh. Trước đây chúng ta xác định người tiêu dùng là là cá nhân và tổ chức, giờ bỏ tổ chức ra khỏi, chỉ có cá nhân thôi. Như anh Cường nói ví dụ cụ thể nhân viên trong tổ chức mua đồ, như văn phòng phẩm về cho tổ chức chẳng hạn, thì không hiểu cơ chế nào bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là tổ chức trong trường hợp như vậy.”

Theo lý giải của Ban soạn thảo, việc sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân giúp các cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh các tranh cãi, không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Cách quy định này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến cá nhân, những người vốn thực sự yếu thế trong các giao dịch tiêu dùng mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức, vốn được trang bị đầy đủ kiến thức và nguồn lực để bảo đảm vị thế cân bằng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời hệ thống pháp luật hiện hành về cạnh tranh thương mại, có quy định và cơ chế áp dụng, bảo vệ quyền lợi các tổ chức khi xảy ra các tranh chấp này".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, những lý giải đưa ra là chưa thực sự thuyết phục. Việc loại bỏ yếu tố “tổ chức” ra là một vấn đề rất lớn, cần phải xem xét lại.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Trước đây ta hay nói tiêu dùng cho sản xuất, tiêu dùng cho cá nhân, chủ thể tham gia quá trình này có thể là cá nhân, rồi pháp nhân, pháp nhân thì cũng nhiều loại hình, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trong luật bảo vệ người tiêu dùng thì điều chỉnh cả cá nhân và cả tổ chức, lần này luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng loại đi chỉ nói về cá nhân thôi. Đây là một sự thay đổi rất lớn, một chính sách rất lớn, trong hồ sơ các đồng chí có thuyết trình nhưng tôi thấy chưa đủ rõ. Vì sao chúng ta thay đổi chính sách lớn như thế…mà trong 5 chính sách các đồng chí đặt ra để sửa đổi bổ sung thì không thấy nói đến cái này, một sự thay đổi rất lớn, tôi thấy điểm đó rất là quan trọng."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng thời nhấn mạnh, trong điều kiện pháp luật cho phép, thì cần phải bảo vệ người tiêu dùng ở mức độ cao nhất.

Thực hiện : Dương Dung Thùy Linh Quang Sỹ Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-trong-dieu-kien-phap-luat-cho-phep-phai-bao-ve-nguoi-tieu-dung-o-muc-do-cao-nhat