Chủ tịch Quốc hội: Xử lý nghiêm trách nhiệm vụ nhập khẩu hàng hóa vi phạm chủ quyền quốc gia!
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng nay (7/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu 'xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia'. Vụ xe Volkswagen gắn bản đồ 'đường lưỡi bò' Trung Quốc mới đây là một điển hình.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam và có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3. Chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu: “Ngành công thương phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ phòng, chống các biểu hiện tiêu cực tham nhũng tiếp tay cho buôn lậu, xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia”.
Ngành công thương rà soát, hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan. Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế với hàng hóa xuất khẩu, nâng cao hiệu quả đối đổi mới phương thức xúc tiến thương mại đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại nhập siêu xuất siêu đối với các đối tác thương mại lớn.
Theo đó, các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xây dựng đầy đủ quy định pháp luật về quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương tới năm 2020 cố gắng trình Chính phủ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng miền cân đối giữa nguồn và phụ tải rà soát, xử lý các vấn đề phát sinh trong quy hoạch vận hành các dự án điện khí, điện mặt trời, điện gió; huy động các nguồn lực, các giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện.
“Nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện. Tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió, điện mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện và tiến tới hình thành một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023. Không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất kinh doanh” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngành công thương phải triển khai hiệu quả chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, có các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nói chung, trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, công thương là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, so với yêu cầu thực tế ngành công thương vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, nhiều vấn đề đã được đưa ra chất vấn nhiều lần như xuất khẩu, quản lý thị trường, chống hàng gian lận, hàng giả, buôn lậu thương mại… cần có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.