Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: Hành trình từ Liên bang Nga đến Việt Nam Thịnh Vượng

Trước khi gắn liền sự nghiệp của mình với VPBank trong vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Ngô Chí Dũng từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại VIB và Techcombank.

VPBank thay da dổi thịt

Ông Ngô Chí Dũng sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Thăm dò địa chất Moscow năm 1992. Năm 2002 ông Ngô Chí Dũng bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Kinh tế của Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính trị Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Trong thời gian từ 1992 -1996, ông Dũng cũng kinh doanh tại Matxcơva, Liên Bang Nga. Từ năm 1996 - 2004, ông Dũng là cổ đông sáng lập và được bầu làm thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB).

Từ năm 2006 - 2010, ông Ngô Chí Dũng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn KBG Group (Liên bang Nga), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Từ tháng 4/2010, ông Dũng tham gia vào HĐQT VPBank từ tháng 4/2010 và được bầu làm Chủ tịch HĐQT VPBank cho đến nay.

Tòa nhà VPBank.

Tòa nhà VPBank.

Ngay sau sự hiện diện của ông Dũng, VPBank đổi tên từ Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Đồng thời thay đổi logo và hệ thống nhận diện thương hiệu mới.

Trong năm này, VPBank phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện, tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.

Năm 2012, ngân hàng này công bố chiến lược phát triển giai đoạn 2012-2017 hướng tới mục tiêu nằm trong top đầu về ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Với kế hoạch cụ thể, năm 2011, VPBank lần đầu tiên báo lãi trước thuế vượt 1.000 tỷ đồng. Năm 2012, lần đầu tiên tổng tài sản ngân hàng vượt 100.000 tỷ đồng.

Trong khi thời kỳ trước đó, lợi nhuận và thu nhập lãi thuần của VPBank chỉ quanh quẩn ở mức vài trăm tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2009 mới chỉ ở mức 27.543 tỷ đồng.

Đồng thời, quy mô tiền gửi và cho vay khách hàng của VPBank cũng không ngừng được mở rộng. Từ mức tiền gửi 16.490 tỷ đồng và cho vay khách hàng 15.683 tỷ đồng năm 2009, kết thúc quý II/2024, tiền gửi khách hàng của VPBank đã là 471.348 tỷ đồng và cho vay khách hàng 609.031 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.665 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.775 tỷ đồng, tăng 65% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Ngân hàng đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng về lợi nhuận trên tổng số 29 ngân hàng và đứng thứ 4 trong nhóm các ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất.

Dù vậy, tổng nợ xấu của ngân hàng vẫn ở mức cao khi, tăng 11,6% so với cuối năm trước lên 31.712 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay là 5,08%, thuộc nhóm các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lớn nhất.

Vừa qua, VPBank đã công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, ông Ngô Chí Dũng đang sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,141% vốn. Bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Dũng đang nắm giữ 326,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,118% vốn.

Mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang có 325,9 triệu cổ phiếu, tương được 4,107% vốn. Tính chung, ông Dũng và người liên quan hiện đang sở hữu tổng cộng sở hữu 33,648% vốn tại VPBank.

"Gà đẻ trứng vàng" gặp một năm không thuận lợi

Không chỉ đẩy mạnh mảng bán lẻ, một bước tiến lớn sau khi ông Ngô Chí Dũng lên nắm quyền tại VPBank là thành lập bộ phận Tín dụng tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit, sau này trở thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng FE Credit.

Tháng 10/2021, VPBank hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.

Fe Credit từ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.

Thời kì hoàng kim, FE Credit từng được coi là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank khi nhiều năm liên tiếp đóng góp từ 40-50% lợi nhuận cho ngân hàng của. Từ năm 2017 - 2020, công ty tài chính này báo lãi hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2019, FE Credit từng lãi gần 3.600 tỷ đồng, giảm lãi còn 300 tỷ đồng trong năm 2021 và chịu cảnh thua lỗ giai đoạn 2023-2024.

Vốn chủ sở hữu của FE Credit tại thời điểm cuối năm 2023 là hơn 10.275 tỷ đồng, giảm 22,4% so với năm 2022. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ âm 16,47% xuống âm 25,22%.

Trong khi đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 4,78 lần lên 5,14 lần, tương ứng nợ phải trả khoảng 52.816 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu là hơn 1.399,52 tỷ đồng.

Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng. Với việc thua lỗ trong 2 năm liên tiếp, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh việc kinh doanh của FE Credit đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng và nhận định đây là "điểm tối" của ngân hàng trong năm 2023.

Cập nhật tình hình quý I/2024 cho thấy, tăng trưởng giải ngân quý đầu năm của FE Credit đạt hơn 20%, tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ trên 20% xuống dưới 20%.

Theo ông Vinh, VPBank đã có lộ trình khắc phục được tình trạng lỗ của FE Credit, năm 2024 là năm bản lề, bản thân FE Credit có tiềm năng, lãnh đạo ngân hàng tin tưởng những năm 2025 trở đi, lợi nhuận của FE Credit sẽ trở lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-tich-vpbank-ngo-chi-dung-hanh-trinh-tu-lien-bang-nga-den-viet-nam-thinh-vuong-204240812192201096.htm