Chú trọng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhất là bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài đã và đang trở thành một định hướng quan trọng. Đặc biệt, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần được chú trọng để giúp gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu, khơi thông 'dòng chảy' cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Luật Chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản.
Gia tăng giá trị, uy tín trên thị trường
Sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, vừa qua, thanh long Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) đã được Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Luật Chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam (sau vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Ông Vũ Văn Mến, người trồng vải tại xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Gia đình tôi tham gia vào dự án sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tham gia vào dự án, gia đình tôi không còn phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm và giá bán cũng cao hơn từ 15 đến 25% so với giá thị trường”.
Tiến sĩ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm được sản xuất theo quy trình chặt chẽ. Đó là bước đầu tiên giúp xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương... Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã giúp giá trị và uy tín gia tăng đáng kể, như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) tăng giá gần gấp đôi; nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tăng từ 30 đến 50%...
Tuy nhiên, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản của Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn hạn chế. Rất ít nông sản được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Tính chung, đến hết năm 2020, Việt Nam chỉ có 94 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay, Hà Nội chưa có sản phẩm nông sản nào được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Phát huy lợi thế của bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Xu hướng chung của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Việc Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại EU - thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên. Vì vậy, Việt Nam cần có nhiều hơn sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý để tận dụng hết dư địa tại thị trường này và nhiều thị trường quan trọng khác.
Ở góc độ địa phương và người trực tiếp đang sản xuất, kinh doanh nông sản, bà Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết huyện Ứng Hòa cho hay: Từ năm 2018, Hợp tác xã đã được thành phố cho phép sử dụng địa danh "Khu Cháy" để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Gạo chất lượng Khu Cháy" cho sản phẩm gạo ở huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên để được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Khu Cháy, bên cạnh sự nỗ lực, đầu tư kinh phí theo đuổi đăng ký cũng như xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cho sản phẩm, doanh nghiệp cần được các đơn vị chức năng hỗ trợ thực hiện nhiều thủ tục khác.
Về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản, đặc sản của Hà Nội đòi hỏi sự quyết tâm “theo đuổi” đến cùng và có sự vào cuộc của nhiều sở, ngành, đơn vị khác nhau như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương… Hà Nội có nhiều đặc sản có tiềm năng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cả trong nước và quốc tế như: Cốm làng Vòng, bưởi Diễn, gà Mía tiến vua, gạo Khu Cháy… Còn ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng khẳng định, Sở sẽ tạo mọi điều kiện và hỗ trợ hết mình cho các đơn vị muốn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình.
Tiến sĩ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, để có thể tận dụng được hết những lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại, cần có các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, quá trình sửa đổi các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý thuộc Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đang được gấp rút hoàn thành. Hy vọng, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua sẽ có sự thay đổi mang tính đột phá về tiến trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phát huy hơn nữa lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1014980/chu-trong-bao-ho-chi-dan-dia-ly