Chú trọng bữa ăn dặm trong hành trình 1.000 ngày đầu đời của trẻ

Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất trong việc xây dựng nền tảng sức khỏe, phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, dinh dưỡng là yếu tố môi trường quan trọng.

Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ em Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ em Việt Nam.

Ngày 28/9, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam”.

Hội thảo trong khuôn khổ “Dự án khảo sát kiểm chứng thương mại hóa cải thiện sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam” do Công ty Cổ phần Asahi Group Foods phối hợp với JICA vì mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội tại các quốc gia đang phát triển. Đây là một trong các dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGS).

Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất trong việc xây dựng nền tảng sức khỏe, phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, dinh dưỡng là yếu tố môi trường quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người. Các nhà khoa học đã xác định, 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian vàng này càng đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời. Ở thời kỳ này, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bà mẹ có liên hệ mật thiết nhất. Dinh dưỡng tốt khi mang thai không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, cho thai nhi, mà còn liên quan đến khả năng nuôi trẻ bằng sữa mẹ sau sinh và sức khỏe của trẻ sau này”.

Theo đó, dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành của trẻ. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng 1Ú2 chiều cao lúc trưởng thành. Thiếu hoặc thừa dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ và dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời của trẻ làm cho sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm và nhận thức của đứa trẻ trở lên xáo trộn dẫn tới mất đi các cơ hội mà mỗi trẻ sinh ra có quyền được hưởng.

Việc đầu tư dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là một trong các cách thức hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm tỉ lệ tử vong trẻ em và giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong của bà mẹ theo mục tiêu phát triển bền vững, là giải pháp hiệu quả trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn này không những bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ mà còn giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ, nâng cao trình độ học vấn và thành tích học tập của trẻ; giảm sự chênh lệch giữa các vùng về sức khỏe, giáo dục và tiềm năng thu nhập; giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính…

Chia sẻ về phương pháp “ăn dặm kiểu Nhật” hiện nay, ông Hiroshi Kawahara, Chủ tịch Công ty Cổ phần Asahi Group Foods cho biết: “Tính độc đáo trong cách ăn dặm của Nhật Bản ở chỗ nó không chỉ tập trung vào chế độ dinh dưỡng là nên ăn gì và ăn bao nhiêu, mà còn tính đến chức năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ để có đưa ra cách nấu ăn sao cho phù hợp, cũng như chú trọng đến việc hình thành thói quen ăn uống cho trẻ từ giai đoạn này trở đi. Thức ăn cho trẻ không được coi là một bữa ăn độc lập đặc biệt, mà là thức ăn trong giai đoạn chuyển tiếp từ sữa mẹ sang thức ăn cho người lớn. Do vậy, người dân nên dùng những thực phẩm cho người lớn lấy một phần ra để làm thực phẩm ăn dặm cho bé. Điều này mang lại cho người chăm sóc có được thời gian và sự thoải mái về mặt tinh thần, giúp việc nuôi dạy trẻ trở nên thú vị hơn”.

Tại hội thảo, Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC), Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome và Aeon Việt Nam đã công bố kết quả đồng nghiên cứu về thực trạng ăn bổ sung và khả năng tiếp nhận các sản phẩm ăn dặm kiểu Nhật tại thị trường Việt Nam.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, tại buổi hội thảo, Asahi Group Foods đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam để hỗ trợ biên soạn hướng dẫn, hợp tác với VNVC và Nutrihome trong việc truyền thông về ăn bổ sung hợp lý và phân phối các sản phẩm thực phẩm ăn dặm.

Theo đó, việc chia sẻ kiến thức về chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn cho con bú và ăn dặm của Nhật Bản được trao đổi giữa các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời, việc tăng cường phổ biến kiến thức đến các cơ sở y tế và mỗi gia đình được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai và cho con bú, hỗ trợ việc cho trẻ ăn bổ sung đúng cách, từ đó thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam.

TN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/chu-trong-bua-an-dam-trong-hanh-trinh-1000-ngay-dau-doi-cua-tre-20240928210303435.htm