Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Từ nhiều năm nay, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Nâng cao chất lượng dạy - học

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Nhiệm vụ này được cụ thể hóa bằng Chương trình 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Với nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thành phố tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp - giải quyết việc làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Riêng với giáo dục phổ thông, năm học 2022 - 2023, toàn Thành phố có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông; 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; 1 trường Trung cấp chuyên nghiệp với gần 2,2 triệu học sinh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn với nhiều loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Học sinh Hà Nội đã giành nhiều giải cao tại các kỳ thi quốc gia, Olympic quốc tế. Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Hiện tại, Hà Nội là một trong bốn địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Đây chính là nguồn nhân lực trẻ của Thành phố trong tương lai.

Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Toàn ngành hiện có hơn 150.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được tập trung thực hiện. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập (bao gồm các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia từ 80 - 85%.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các địa phương, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xác định là nhiệm vụ chung, trọng tâm và kiên trì triển khai, nhằm tạo nên các điều kiện dạy - học đạt chuẩn, với mục đích cao nhất là tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước.

Mở rộng đào tạo kiến thức về Hà Nội

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhóm chỉ tiêu để đạt chuẩn quốc gia và ngang với các nước trong khu vực về chất lượng và cơ sở vật chất, giáo dục phổ thông của Hà Nội cần nâng cao chất lượng toàn diện ở các cấp học, trình độ đào tạo, chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Trong đó việc mở rộng đào tạo kiến thức về địa phương Hà Nội trong các trường phổ thông sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô thời gian trước mắt cũng như lâu dài.

Học sinh hào hứng và chủ động trong việc học tài liệu giáo dục địa phương.

Học sinh hào hứng và chủ động trong việc học tài liệu giáo dục địa phương.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục địa phương căn cứ theo những đặc thù văn hóa, lịch sử nơi nhà trường hoạt động. Chẳng hạn, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trường Trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình) đã tổ chức cho các em học sinh tham quan giáo dục truyền thống lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng B52 nằm ngay tại địa bàn quận. Buổi học tập giáo dục truyền thống đã giúp các em hiểu rõ hơn những hy sinh của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Thông qua buổi học ngoại khóa đó, các em học sinh biết ơn, trân trọng những anh hùng dân tộc, nuôi dưỡng thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Với mục tiêu biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương mang đặc trưng của Hà Nội, có nội dung phù hợp với học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng nhóm tác giả đã chỉ đạo, hướng dẫn Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) dạy thực nghiệm hai vòng bài Thăng Long Tứ trấn, tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh lớp 3. Đây là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá mức độ đáp ứng việc nắm bắt nội dung, sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên, tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn, mức độ kiến thức, tính sư phạm, tính khoa học của tài liệu, đồng thời thực nghiệm các hoạt động được tổ chức trong giờ học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, nếu như ở vòng dạy thực nghiệm thứ nhất, cô giáo Nguyễn Thanh Lan (giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu) thực hiện tiết dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương theo hướng một tiết dạy độc lập thì ở vòng thực nghiệm thứ hai, cô giáo đã thực hiện dạy bài Thăng Long Tứ trấn theo hướng tích hợp, lồng ghép trong nội dung của môn học Hoạt động trải nghiệm, bài Quê hương em tươi đẹp...

Ở vòng dạy thực nghiệm lần hai, tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thanh Lan được đánh giá cao về công tác chuẩn bị cũng như việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; qua đó giúp cho tiết học phong phú, gần gũi, phát huy sự sáng tạo và tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Có thể thấy, trong xu thế hội nhập thì việc gìn giữ, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống càng cần được chú trọng. Điều quan trọng là các nhà trường cần giúp các học sinh được học, được quan sát từ thực tế ngay tại nơi mình sinh sống, học tập để các em nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm gìn giữ, phát huy của bản thân mình với truyền thống văn hóa, lịch sử nước nhà. Văn hóa truyền thống cần trở thành nền tảng trong giáo dục đạo đức cho học sinh, là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập với thế giới.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-trong-dao-tao-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-155732.html