Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân

Nhằm hỗ trợ cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt được khoa học kỹ thuật, chủ động áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… thời gian qua, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tích cực đi đầu trong việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân.

Học viên lớp đào tạo nghề về kỹ thuật làm nấm xã Phúc Sơn (Lâm Bình) trong ngày tổng kết nhận chứng chỉ học nghề.

Học viên lớp đào tạo nghề về kỹ thuật làm nấm xã Phúc Sơn (Lâm Bình) trong ngày tổng kết nhận chứng chỉ học nghề.

Ông Chẩu Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội Nông dân tỉnh đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các huyện, thành phố và bám sát cơ sở Hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân mong muốn được học nghề; bám sát kế hoạch, lộ trình của tỉnh trong xây dựng các xã về đích nông thôn mới theo từng giai đoạn, từng năm… Từ đó, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân.

Trong năm 2023, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) được Hội Nông dân tỉnh mở lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng nấm cho hội viên nông dân trên địa bàn.

Chị Hoàng Thị Mai, thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn, cho biết: Trước đây, mỗi mùa thu hoạch lúa, chúng tôi thường vứt rơm rạ ngoài đường hoặc đốt bỏ, rất ô nhiễm môi trường. Từ ngày được học lớp kỹ thuật làm nấm, chúng tôi đã biết tận dụng để làm nấm, vừa sạch môi trường, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn xã hình thành 2 nhóm làm nấm, với trên 20 thành viên tham gia. Sau mỗi mùa vụ, nông dân tận dụng phế thải rơm rạ để ủ trồng nấm, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Cũng như chị Mai, chị Lâm Thị Tình, thôn Đèo Mủng, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cũng đang tất bật với trại gà của gia đình. Chị Mai chia sẻ: tham gia lớp học nghề, ngoài những kỹ thuật mới, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về việc liên kết lại với nhau để sản xuất, không chỉ giúp nhau về kỹ thuật, mà việc liên kết sẽ tạo ra vùng sản xuất lớn, vì vậy sẽ thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm sau này.

9 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 48 lớp dạy nghề, gần 1.700 hội viên nông dân tham gia. Các nghề đào tạo, như: Kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi; trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản. Qua các lớp đào tạo, đã giúp hội viên nông dân nâng cao tay nghề, sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với dạy nghề, Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ học viên sau đào tạo nghề được vay vốn, phát triển sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm từ đó giúp hội viên nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: Trâm Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chu-trong-dao-tao-nghe-cho-nong-dan-199970.html