Chú trọng đào tạo nhân lực ngoại giao đa phương trong bối cảnh mới

Ngày 2/10, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức Hội thảo về chuyên giao và phổ biến môn học ngoại giao đa phương nhằm đẩy mạnh đào tạo về chủ đề này.

Tham dự Hội thảo với chủ đề Ngoại giao đa phương, về phía Học viện Ngoại giao (HVNG) có Phó Giám đốc phụ trách Học viện, Tiến sỹ Phạm Lan Dung; Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế HVNG Nguyễn Tuấn Việt; Phó Khoa Chính trị Quốc tế HVNG Đỗ Thị Thủy; Giáo sư, Tiến sỹ Philippe Le Prestre, hiện đang giảng dạy tại HVNG.

Về phía Bộ Ngoại giao, có sự tham dự của Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Về phía KAS, có sự tham dự của Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam, ông Peter Girke, cùng một số cán bộ nhân viên từ KAS. Tham dự hội thảo còn có cán bộ từ Bộ Ngoại giao có kinh nghiệm thực tiễn làm đối ngoại đa phương; các giáo sư, các nhà khoa học về chính trị - quan hệ quốc tế đến từ 18 trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo về Ngoại giao đa phương. (Ảnh: Minh Quân)

Toàn cảnh Hội thảo về Ngoại giao đa phương. (Ảnh: Minh Quân)

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc phụ trách HVNG, đã cảm ơn Quỹ KAS, đối tác truyền thống và tin cậy, đồng hành và tài trợ cho nhiều hoạt động của Học viện, đặc biệt là hoạt động này, cùng sự tham dự của cán bộ Bộ Ngoại giao và các giáo sư, nhà khoa học về chính trị - quan hệ quốc tế.

Phó Giám đốc phụ trách Học viện khẳng định chú trọng đối ngoại đa phương là chủ trương nhất quán của Việt Nam kể từ khi Đổi mới; đối ngoại đa phương Việt Nam đã đóng góp vào xây dựng môi trường ổn định, hòa bình, tận dụng ngoại lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong năm 2020, đối ngoại đa phương càng có vai trò quan trọng khi Việt Nam cùng lúc đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Chủ tịch ASEAN.

Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngoại giao, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngoại giao, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Để phục vụ cho trọng trách của ngành Ngoại giao trong giai đoạn này và thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về đối ngoại đa phương.

Trong bối cảnh đó, HVNG đã phối hợp với KAS xây dựng thành công môn học Ngoại giao đa phương để đưa vào chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, mong muốn là môn học này không chỉ trở thành cốt lõi trong chương trình đào tạo Quan hệ Quốc tế của Học viện, mà còn được phổ biến tại nhiều trường Đại học ở Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước trong tình hình mới, đó là nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 24 của Ban Bí thư.

Về phần mình, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam, cho rằng chương trình học về Ngoại giao đa phương này rất đặc biệt khi có quy mô mô nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và kéo dài trong suốt 3 năm. Hồi tưởng về những ngày đầu và hành trình triển khai chương trình, ông khẳng định sau giai đoạn thử nghiệm thành công, đã đến lúc HVNG đưa môn học vào giảng dạy trong thực tế.

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam hồi tưởng về quá trình xây dựng môn học ngoại giao đa phương cùng Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Minh Quân)

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam hồi tưởng về quá trình xây dựng môn học ngoại giao đa phương cùng Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Minh Quân)

Đặc biệt, ông Girke cho rằng trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và chủ tịch ASEAN, khóa học sẽ càng thiết thực hơn bởi quá trình giảng dạy sẽ được bổ trợ từ những kinh nghiệm, tình huống thực tế phát sinh trong triển khai Ngoại giao đa phương Việt Nam thời gian qua. Ông cũng gửi lời cảm ơn tới HVNG đã nỗ lực, bền bỉ xây dựng và hoàn thiện chương trình trong hơn 3 năm qua để giờ hai bên có thể ngồi lại, công bố khóa học này.

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chủ nghĩa đa phương đang gặp phải thách thức lớn và vì thế, chủ đề của Hội thảo càng mang tính thời sự hơn bao giờ hết.

Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, đề cao tính thời sự của Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, đề cao tính thời sự của Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Trong phiên còn lại của buổi sáng, Tiến sỹ Đỗ Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Chính trị Quốc tế HVNG đã chia sẻ về quá trình xây dựng, giáo án của môn học Ngoại giao đa phương. Trong phiên buổi chiều, Tiến sỹ Trần Nam Tiến, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã triển khai chương trình thử nghiệm, mô phỏng các nội dung giảng môn Ngoại giao đa phương. Các phiên thảo luận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ phía khách mời. Đây sẽ là động lực lớn để HVNG đẩy nhanh việc đưa môn học Ngoại giao đa phương vào giảng dạy thời gian tới.

Các đại biểu và khách mời chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Các đại biểu và khách mời chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-trong-dao-tao-nhan-luc-ngoai-giao-da-phuong-trong-boi-canh-moi-125163.html