Chủ trương mạnh mẽ: 'Đồng hành lúc dân cần, khi dân khó'

Đợt bão lũ đổ bộ không chỉ gây thiệt hại to lớn về vật chất, mà còn là thử thách đối với ý chí và sự đoàn kết của dân tộc. Sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của toàn hệ thống chính trị nhằm tái thiết đời sống sau thiên tai đã một lần nữa khẳng định tinh thần 'đồng hành lúc dân cần, khi dân khó', đưa đất nước từng bước vượt qua những thử thách khắc nghiệt.

Hạ Long nhanh chóng khôi phục kinh tế du lịch sau ảnh hưởng bão lũ. (Ảnh: ĐN)

Hạ Long nhanh chóng khôi phục kinh tế du lịch sau ảnh hưởng bão lũ. (Ảnh: ĐN)

Chủ trương tái thiết toàn diện: Khôi phục đời sống và kinh tế

Sau mỗi trận bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn chỉ là bước đầu trong quá trình hồi phục. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để tái thiết lại đời sống người dân, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đặt trọng tâm vào việc tái thiết lâu dài và bền vững, từ việc đảm bảo nơi ăn ở cho người dân đến khôi phục sản xuất, việc làm... Những quyết định khẩn trương từ lãnh đạo Nhà nước đã giúp hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương tập trung vào tái thiết nhanh chóng nhưng hiệu quả.

Ngay khi lũ vẫn còn hoành hành, ngày 17/9/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Mục tiêu tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8 - 7%, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết. Không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất; khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024; làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở…, nhất là trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Ngày 21/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có bài viết: “Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát”.

“Phát huy truyền thống tốt đẹp "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên", dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chúng ta hãy phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, kề vai, sát cánh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân vùng bị bão lũ trong thời gian sớm nhất; đồng thời tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân”, những câu nói đầy nhân văn, nghĩa tình và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện được quyết tâm cao “đồng hành lúc dân cần, khi dân khó”, khôi phục đời sống sau bão lũ của Đảng và Nhà nước ta.

Chung tay, đoàn kết một lòng cho công cuộc tái thiết

Lực lượng vũ trang ngâm mình trong nước giúp dân gặt lúa sau lũ. (Ảnh: Nguyễn Hằng)

Lực lượng vũ trang ngâm mình trong nước giúp dân gặt lúa sau lũ. (Ảnh: Nguyễn Hằng)

Thực hiện chỉ thị của Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương đều đồng lòng, quyết tâm cao để khắc phục hậu quả, đưa đời sống Nhân dân sớm đi vào ổn định. Ngành nông nghiệp luôn là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất sau thiên tai, nhưng cũng là trọng tâm của các chính sách khôi phục. Một trong những hành động thiết thực là chính sách cấp phát giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ tài chính cho người dân tái sản xuất.

Theo thống kê, hơn 1.000 tấn hạt giống lúa, ngô và rau đã được phát miễn phí cho nông dân ở các vùng bị thiệt hại. Thời gian qua, lực lượng vũ trang nhân dân ở các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi lũ đã trực tiếp xuống ruộng, gặt, thu hoạch lúa giúp người dân. Hình ảnh những chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân tự vệ không ngại thời tiết khắc nghiệt, ngập thân trong bùn lầy để giúp dân thu hoạch, đem hoa màu về tận nhà cho người dân đã khiến bao người phải xúc động, kính phục.

Không chỉ có thế, lực lượng vũ trang bên cạnh sự xông xáo cứu nạn, đã có mặt ở tất cả những nơi dân cần, hỗ trợ dân trong mọi lĩnh vực của đời sống, giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ, từ việc dựng lại nhà, vệ sinh thôn làng, hỗ trợ khắc phục giao thông chia cắt, vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tay Nhân dân...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi Bộ, ngành đều đã và đang tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết bằng những hành động sâu sát và hiệu quả. Từ việc đảm bảo an sinh xã hội, các chương trình cứu trợ, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, sửa chữa trường học, cấp phát sách vở cho trẻ em, công tác phòng, chống dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế, khôi phục sản xuất kinh doanh... Những hành động kịp thời ấy đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, yên tâm hơn.

Quyết tâm cao trong tái thiết đời sống, giúp dân nhanh chóng thoát ảnh hưởng của bão lụt còn được thể hiện rõ nét ở hành động nhanh chóng, mạnh mẽ của các địa phương. Nhận được chỉ thị từ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò chủ động trong việc bố trí nguồn lực để giúp đỡ những gia đình bị mất nhà cửa, đồng thời huy động các lực lượng vũ trang cùng tham gia vào công tác này.

Tại nhiều địa phương, các chương trình hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, xây dựng lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện và đường sá, khôi phục kinh tế... đã được ưu tiên thực hiện. Như Quảng Ninh, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 đã dành 1.000 tỷ đồng tiết kiệm chi để khắc phục hậu quả bão số 3 và an sinh xã hội. Thành phố Hạ Long, ngay sau khi cơn bão đi qua, đã tập trung lực lượng với hơn 1.000 tình nguyện viên để lập lại trật tự mỹ quan, khôi phục kinh tế du lịch. Từ ngày 10 - 21/9, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 40.000 lượt khách tham quan, trong đó 90% là du khách nước ngoài, đó là một tin đáng mừng trong công cuộc khôi phục kinh tế địa phương.

Tại tỉnh Lào Cai, rất nhanh chóng, người dân vùng bị sạt lở, mất nhà cửa được chính quyền có phương án hỗ trợ. 115 người dân lánh nạn trên núi ở thôn Kho Vàng đã được đưa xuống khu nhà dã chiến do Công an tỉnh xây dựng với đầy đủ điều kiện sinh hoạt. Tỉnh Lào Cai đã bắt đầu khởi công khu tái định cư từ 21/9, cách địa điểm cũ 1,5km với diện tích 2,5ha, quy mô từ 40 - 50 căn nhà.

Còn ở Làng Nủ - nơi chịu thiệt hại về người lớn nhất ở Lào Cai, sau khi chốt khu vực tái định cư cho người dân, huyện Bảo Yên đã bắt tay ngay vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên diện tích khoảng 15ha và hoàn thành sau 2 ngày triển khai. Các tỉnh ảnh hưởng nặng nề như Yên Bái đã không còn địa phương bị chia cắt, cô lập, tỉnh Cao Bằng cũng đang khởi công xây dựng khu tái định cư mới cho người dân...

Không chỉ các địa phương bị ảnh hưởng, mà các địa phương trên cả nước, chung một tấm lòng cũng cùng nhau tham gia vào công cuộc tái thiết. Chiều 20/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ xuất quân thực hiện các công trình của các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng. TP Đà Nẵng phân bố 22 tỷ đồng để chung tay hỗ trợ các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ; các tỉnh, thành phía Nam và cả các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nơi vẫn đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão vẫn chung tay, chung lòng giúp đỡ sức người, sức của để công cuộc tái thiết đời sống sau bão của Nhân dân vùng chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão lũ được nhanh chóng thực hiện.

Bão lũ đi qua để lại bao mất mát, khó khăn, nhưng cũng là lúc tình người tỏa sáng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân cả nước, không ai bị bỏ lại phía sau. Những mái nhà mới, những cánh đồng sẽ lại xanh tươi, để nhắc nhở rằng trong gian khó, người Việt vẫn luôn đoàn kết một lòng, kiên cường và mạnh mẽ vươn lên.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chu-truong-manh-me-dong-hanh-luc-dan-can-khi-dan-kho-post526890.html