Chú ý đến những bất lợi khi dùng glucosamine

Hiện nay glucosamine được sử dụng để hỗ trợ tình trạng thoái hóa xương khớp nguyên phát hay thứ phát, viêm khớp cấp hay mạn tính và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên việc sử dụng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh và từng bệnh nhân.

Glucosamine được sử dụng để hỗ trợ tình trạng thoái hóa xương khớp nguyên phát hay thứ phát, viêm khớp cấp hay mạn tính và một số bệnh lý khác. Ở nước ta glucosamine được xem là thuốc điều trị chứ không phải thực phẩm chức năng. Cơ quan Bảo hiểm y tế chỉ thanh toán chi phí sử dụng glucosamin được chỉ định với mục đích “giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối nhẹ và trung bình". Việc sử dụng glucosamine trong điều trị viêm thoái hóa khớp ở các vị trí khác ngoài khớp gối không được khuyến cáo. Chính vì vậy, nếu sử dụng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh và từng bệnh nhân.

Đối với người mắc bệnh viêm khớp gối, thoái hóa khớp nên dùng glucosamine mỗi ngày để cải thiện triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Việc bổ sung glucosamine đều đặn giúp tăng cường cấu trúc bền vững của khớp, giúp khớp xương thư giãn, duy trì sự linh hoạt. Tác dụng của glucosamine mang tính tích lũy, thời gian dùng càng kéo dài càng nhận thấy kết quả rõ rệt. Về cách dùng và liều dùng, người bệnh cần đến bác sĩ để được chỉ định liều lượng cụ thể, phù hợp với thể trạng và độ tuổi của từng người.

Dùng glucosamin hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp cần theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng glucosamin hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp cần theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc glucosamine thường được dung nạp tốt và khá an toàn, nhưng nó cũng có thể gây ra các phản ứng bất lợi. Khi dùng đường uống, các tác dụng bất lợi thường gặp nhất của glucosamine bao gồm buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón và đau ở vùng thượng vị; các triệu chứng có thể giảm nếu glucosamine được dùng cùng hoặc sau khi ăn. Các tác dụng bất lợi khác bao gồm đau đầu, ngủ gà và mất ngủ, phản ứng trên da như đỏ da và ngứa. Một số phản ứng nghiêm trọng liên quan đến glucosamine đã được ghi nhận, đặc biệt là phản ứng phản vệ, sốc phản vệ và trụy tuần hoàn, độc tính trên gan, tăng men gan, tăng glucose máu… Chính vì vậy người bệnh không nên tự ý dùng glucosamine.

Glucosamine nếu dùng quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng huyết áp tạm thời, tăng nhịp tim, nhịp mạch. Một số đối tượng không nên dùng glucosamine là người dị ứng với tôm cua, sò, ốc, hến và hải sản. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không nên dùng glucosamine. Người bệnh hen suyễn, cảm cúm, bệnh nhiễm khuẩn tai – mũi – họng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng glucosamine. Ngoài ra, glucosamine có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng glucosamine.

ThS. DS. Lê Quốc Thịnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-diem-can-luu-y-khi-dung-glucosamine-n173622.html