Chữa bệnh vẹo cột sống thế nào? Có cần thiết phải phẫu thuật không?
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống cong vẹo sang bên (trái hoặc phải) một cách bất thường. Vẹo cột sống thường gặp ở thanh thiếu niên, chủ yếu là vô căn. Vẹo cột sống có thể xảy ra ở cả trẻ em và người trưởng thành, thường là do thoái hóa.
Vẹo cột sống điều trị như thế nào, có nhất thiết cần phẫu thuật không?
Cần phát hiện sớm vẹo cột sống
Vẹo cột sống là bệnh lý của cột sống gây ảnh hưởng tới cấu trúc và hình dáng sinh lý của con người. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, vẹo cột sống sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng và gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống.
Người bị vẹo cột sống sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, tác động không nhỏ đến chức năng hô hấp và tim mạch. Đặc biệt, khi bị vẹo cột sống, người bệnh còn có tâm lý tự ti khi tham gia các hoạt động tại cộng đồng.
Vẹo cột sống có thể gặp ở hầu hết các lứa tuổi (chiếm khoảng 1 - 4% dân số), thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên (thường từ 10 - 18 tuổi).
Có nhiều nguyên nhân gây vẹo cột sống, tuy nhiên có tới 80 - 85% vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân. Một số khác do bị bệnh bẩm sinh hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Ngoài ra, có nhiều trường hợp bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày, nhất là trẻ em ở tuổi đến trường.
Việc phát hiện sớm vẹo cột sống là vấn đề rất quan trọng để có những can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng do bệnh lý này gây ra. Đặc biệt, việc phát hiện sớm còn giúp người bệnh tránh được việc phải phẫu thuật nắn chỉnh vô cùng phức tạp do cấu trúc giải phẫu của cột sống.
Biểu hiện vẹo cột sống
Một câu hỏi được đặt ra là vẹo cột sống có dễ dàng phát hiện hay không? Vẹo cột sống rất dễ phát hiện và không khó như chúng ta nghĩ, bởi nó là tình trạng biến dạng bất thường của cột sống.
Vẹo cột sống có thể vô tình được phát hiện bởi người thân và bạn bè của bạn. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ thường phát hiện khi tắm cho con hoặc khi cho con đi bơi. Đối với người lớn, bệnh lý này thường phát hiện khi mặc áo bó sát hoặc cởi trần.
Biểu hiện của cong vẹo cột sống rất dễ nhận biết qua quan sát với đặc trưng là sự mất đối xứng của hai bên cơ thể như của hai vai, hai tay và hông, khung chậu, các biến dạng lồng ngực với ụ gồ ở vùng cột sống, vai bên cao bên thấp, khi đứng thẳng tay chân không đều.
Ngoài ra, chúng ta có thể cho đứng thẳng và dùng ngón tay miết dọc cột sống, hay cho đứng thẳng gối cúi gập thân để phát hiện tình trạng vẹo cột sống.
Khi phát hiện bị vẹo cột sống, chúng ta cần đến khám để được các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, chuyên khoa cột sống đánh giá mức độ cong vẹo.
Qua việc thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra các can thiệp kịp thời với từng trường hợp cụ thể như: Điều trị phục hồi chức năng bảo tồn, kết hợp các dụng cụ nắn chỉnh bên ngoài (mang áo nẹp chỉnh hình), kéo giãn nắn chỉnh cột sống trên máy kéo giãn cột sống hoặc có chỉ định phẫu thuật.
Vẹo cột sống có phải phẫu thuật?
Hầu hết bệnh nhân mắc vẹo cột sống không có triệu chứng và không cần điều trị, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ phải phẫu thuật. Phục hồi chức năng và điều trị kịp thời với bệnh lý vẹo cột sống là vô cùng cấp thiết, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng cho người bệnh.
Đối với các trường hợp vẹo cột sống được phát hiện sớm, người bệnh sẽ được các bác sĩ phục hồi chức năng, đưa ra các bài tập vận động phục hồi để đưa cột sống về trạng thái bình thường nhất có thể, thường có ít biến chứng kèm theo.
Nếu phát hiện muộn và tình trạng cột sống bị cong vẹo nặng, người bệnh sẽ có chỉ định phẫu thuật, họ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng và rủi ro tổn hại tới sức khỏe và kinh tế.
Năm 1946, BS. Cobb phát minh ra cách đo độ vẹo cột sống (được gọi là góc Cobb) và được dùng cho đến nay như một trong những cách chẩn đoán bệnh này. Để đo góc Cobb, bác sĩ sẽ xác định xem đốt thần kinh cột sống nào bị vẹo nặng nhất, sau đó bác sĩ sẽ vẽ một đường thẳng song song với đốt sống này. Góc tạo ra giữa hai đường thẳng từ 2 đốt sống bị vẹo nặng nhất là góc Cobb. Góc Cobb trên 10 độ được xem là chẩn đoán vẹo cột sống.
- Tùy theo góc độ vẹo và hình thái vẹo của cột sống mà có các chỉ định khác nhau, thường các bác sĩ sẽ đánh giá theo góc Cobb.
- Góc Cobb <20 độ: Theo dõi 6 tháng/lần để kiểm tra xem độ vẹo có tăng không. Có biến chứng xuất hiện không?
- Góc Cobb 20 – 40 độ: Đeo áo nẹp chỉnh hình vẹo cột sống, theo dõi tái khám định kỳ 6 tháng/lần để điều chỉnh lại áo nẹp lưng.
- Góc Cobb > 40 độ: Chỉ định mổ nắn chỉnh vẹo bằng nẹp vít chân cung.
Mời độc giả xem thêm video: