Chưa có bước đột phá để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 1.400 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; trong đó diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm là 1.226,85 ha.

Sản xuất lúa canh tác tự nhiên tại HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, huyện Triệu Phong - Ảnh: H.T

Sản xuất lúa canh tác tự nhiên tại HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, huyện Triệu Phong - Ảnh: H.T

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và PTNT, các mô hình/dự án sản xuất hữu cơ đã và đang thể hiện rõ tính hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế - xã hội - môi trường. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có hơn 80 dự án phát triển nông nghiệp, trong đó có 10 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được áp dụng trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản; hơn 50 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn, chất lượng cao; hơn 11.000 ha cây trồng sử dụng, ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã và đang tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản, chế biến nông sản.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu; diện tích sản xuất lúa hữu cơ chậm nhân rộng, đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra (tính đến cuối năm 2023 chỉ đạt 34,6%) do nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế.

Mặt khác, chưa quy hoạch được các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiềm năng lợi thế của các vùng, miền; quy mô sản xuất hữu cơ còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa cao; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn ít, yếu và chưa thực sự bền vững.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị vẫn còn chậm, chưa có bước phát triển đột phá. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. Mặt khác, chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, thời gian thu hồi vốn dài nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Đặc biệt, một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị.Theo ngành nông nghiệp và PTNT, để việc phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thực sự mang lại hiệu quả, cần huy động lồng ghép các nguồn lực đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.

Mặt khác, các đơn vị và địa phương phải luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát, lựa chọn các vùng, khu vực có khả năng liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phối hợp nhằm chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ vào sản xuất trên địa bàn, nhất là các tiến bộ khoa học công nghệ mới; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chua-co-buoc-dot-pha-de-nbsp-nhan-rong-cac-mo-hinh-nong-nghiep-huu-co-cong-nghe-cao-188544.htm