Chưa có giáo trình chuẩn đào tạo nguồn nhân lực hợp tác xã

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho hay, chìa khóa thành công của HTX là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện việc đào tạo hiện như 'trăm hoa đua nở' và chưa có giáo trình chuẩn.

Đào tạo nhân lực hợp tác xã như "trăm hoa đua nở"

Tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồ dưỡng cho thành viên, người lao động HTX và các tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức sáng 5/4, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, nhiều vấn đề HTX đang gặp phải như khó khăn ứng dụng công nghệ, khó thích ứng thị trường hay có những HTX hoạt động chưa thực sự hiệu quả… Nguyên nhân sâu xa chính là từ nguồn nhân lực của HTX chưa được đảm bảo về số lượng và chất lượng.

 Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân.

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong 72.359 cán bộ quản lý HTX nông nghiệp cả nước, có tới 44% chưa đào tạo, 40% có trình độ trung cấp, sơ cấp và chỉ có 16% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học. Nếu xét riêng chức danh giám đốc HTX nông nghiệp thì có tới 32% chưa qua đào tạo. Con số này ở Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 57,3%, khu vực Tây Nguyên là 44,6%.

Muốn phát triển HTX, theo bà Vân, chìa khóa chính là nguồn nhân lực, phải tìm giải pháp nâng cao đào tạo nguồn nhân lực. Thực tế hiện nay, bất kỳ tổ chức nào cũng có chương trình dạy về hợp tác xã. Nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng này như trăm hoa đua nở, chưa có một “điểm chuẩn”.

“Chưa có một bộ tài liệu, giáo trình chuẩn. Để khi tôi trở thành một ông giám đốc, chủ tịch HTX thì tôi phải có những kiến thức cơ bản. Còn lại HTX phát triển kiểu nào là do kỹ năng, hiệu quả điều hành, nhưng phải có kiến thức cơ bản. Giống như mỗi người phải có kiến thức phổ thông, dù sau này làm những nghề khác nhau, nhưng kiến thức cơ bản phải có”, bà Vân nói.

Đặc biệt, bà Vân cho rằng, vị trí quản trị của HTX, việc bồi dưỡng kiến thức cho người mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, nhận diện sản phẩm, bao bì sản phẩm chưa được chú trọng.

“Mỗi lần cầm một sản phẩm đạt OCOP của HTX thì xen lẫn niềm vui là sự lo lắng. Nếu sản phẩm đó, nhãn hiệu đó chỉ cần có bàn tay chuyên nghiệp điều khiển thì 1kg gạo bán giá 30 ngàn đồng lập tức có thể bán với giá 60 ngàn đồng”, bà Vân nói.

Nhiều nghệ nhân giấu nghề, chỉ truyền nghề trong gia đình

Cùng quan điểm với bà Vân, TS Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp 2 tại TPHCM, cũng cho rằng việc xây dựng một chương trình đào tạo có hệ thống có vai trò rất quan trọng. Hiện các chương trình hỗ trợ nguồn nhân lực cho HTX chỉ tập trung vào bồi dưỡng nên không phát huy được hiệu quả, lại tạo ra sự khập khiễng, chắp vá nếu HTX tham gia nhiều lớp, chương trình đào tạo.

 Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực kinh tế tập thể - HTX giữa Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ với Liên minh HTX các tỉnh, thành phố.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực kinh tế tập thể - HTX giữa Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ với Liên minh HTX các tỉnh, thành phố.

Hiện, các nước rất chú trọng đào tạo chuyên nghiệp và theo hệ thống. Ngay như ở Canada, ở trường mẫu giáo đã có chương trình biên soạn, đào tạo về HTX về liên kết hợp tác nhằm nuôi dưỡng tinh thần hợp tác từ ngay lúc nhỏ. Hay ngay trong Liên đoàn HTX nông nghiệp Hàn Quốc cũng có trường đại học trong Liên hiệp HTX này.

Điều này cho thấy, việc đào tạo về HTX đã được chuyên nghiệp hóa, có hệ thống. Và mỗi năm, những sinh viên ra trường sẽ có không ít người vào chính HTX, Liên hiệp HTX làm việc.

Nói về nguyên nhân của những khó khăn này, ThS Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho hay, trong giai đoạn 2026-2020, Tổng cục đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT tổng hợp đề xuất phương án phân bổ kinh phí ngân sách trung ương thực hiện nội dung 06 “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” cho các bộ ngành, địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, Liên minh HTX Việt Nam không được Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT phân bổ kinh phí thực hiện theo nội dung 06 nên gây khó khăn cho Liên minh HTX Việt Nam trong quá trình đồng hành HTX trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực này…

 Chị Trần Thị Thuần, giám đốc của Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) (áo dài) giới thiệu các sản phẩm của HTX với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trong dịp bà tới thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4, năm 2022.

Chị Trần Thị Thuần, giám đốc của Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) (áo dài) giới thiệu các sản phẩm của HTX với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trong dịp bà tới thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4, năm 2022.

Một trong những nguyên nhân nữa gây khó khăn trong đào tạo nhân lực cho HTX, theo ông Độ, là hiện nay, nhiều địa phương không huy động được đội ngũ nghệ nhân tham gia vào quá trính đào tạo, truyền nghề cho HTX.

Điều này, có thể là do nghệ nhân giấu nghề, chỉ muốn truyền nghề trong nội bộ gia đình nhưng cũng có nguyên nhân đến từ việc chính sách hỗ trợ trước đó chưa phù hợp, yêu cầu quá khắt khe. Trong khi thực tiễn các nghệ nhân truyền đạt về kiến thức thực tiễn nhiều, giáo trình lý thuyết có thể hạn chế vì không phải là người đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua nghệ nhân của Bộ LĐTB&XH đã phải chuyển sang hỗ trợ theo kiểu “tùy thuộc vào tình hình thực tiễn”.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chua-co-giao-trinh-chuan-dao-tao-nguon-nhan-luc-hop-tac-xa-1976213.html