'Chưa xác định được bệnh nhân ở Hà Nội tái dương tính hay mắc mới'
Du học sinh ở Hà Nội có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau 2 tháng được công bố khỏi bệnh.
Liên quan trường hợp bệnh nhân 1032 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau gần 2 tháng xuất viện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội (CDC) bước đầu xác minh có 25 trường hợp tiếp xúc gần (F1).
25 người tiếp xúc gần
Tại quận Cầu Giấy, 3 trường hợp F1 là bà nội, bố và anh trai. Trong đó, bà nội đã được lấy mẫu bệnh phẩm, hiện cách ly tại nhà, anh trai công tác ở nước ngoài, người bố và bệnh nhân đang cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ quan chức năng xác định có 20 F1, trong đó, 17 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại bệnh viện. Ngoài ra, 3 trường hợp ở xa chưa được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Tại quận Hà Đông, một người tiếp xúc gần là bạn gái của bệnh nhân, được lấy mẫu và cách ly tại nhà. Ngoài ra, một F1 tại quận Đống Đa là người quen vào thăm bệnh nhân 30 phút trong bệnh viện ngày 14/11. CDC Hà Nội đang liên hệ người này để lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn cách ly theo quy định.
Liên quan ca bệnh này, sáng nay, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội, cho biết: "Chưa thể xác định được trường hợp này là tái dương tính với virus gây bệnh Covid-19 hay mắc mới".
Vì vậy, CDC Hà Nội đã báo cáo thông tin với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế Dự phòng để chỉ đạo điều tra, lấy mẫu nuôi cấy, xác định kháng thể với bệnh nhân này.
Làm gì để xác định bệnh nhân tái dương tính hay tái mắc?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.
Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi Covid-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm.
Hiện nay, nhiều phương pháp được thực hiện để xác định bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Trong đó, nuôi cấy virus có giá trị khẳng định cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện, tỷ lệ thành công thấp và cho kết quả muộn. Việt Nam đang sử dụng phương pháp rRT-PCR để tìm chất liệu di truyền (ARN) của virus.
Theo tiêu chuẩn của WHO, ở ngưỡng phát hiện 100 bản sao trên mỗi phản ứng, xét nghiệm phải đạt độ nhạy 95%. Do đó, những bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu hoặc đang hồi phục sẽ có nồng độ virus ở ranh giới giữa âm và dương tính. Ngoài ra, kết quả còn phụ thuộc mức độ tập trung của virus trong mẫu bệnh phẩm.
Do xét nghiệm chỉ xác định được ARN (một mảnh trong cấu trúc) của virus, một số trường hợp khỏi bệnh, SARS-CoV-2 chết nhưng vẫn còn vài mảnh xác lưu lại trong mô. Lúc này, bệnh phẩm đưa vào xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Những trường hợp này được gọi là tái dương tính với virus.
Trong khi đó, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là họ từng mắc Covid-19, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh và có thời gian dài sạch virus. Các trường hợp này mắc bệnh lần thứ 2, nuôi cấy virus có phát triển. Qua đó, chúng ta có thể kết luận bệnh nhân mang virus sống thay vì mảnh xác tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Về vấn đề người tái nhiễm SARS-CoV-2 có khác biệt về khả năng lây lan hay không, bác sĩ Cấp cho rằng chưa có đủ cơ sở dữ liệu để xác định điều này.
Sáng 16/11, CDC Hà Nội thông tin bệnh nhân là P.N.M. (21 tuổi, sinh viên, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là bệnh nhân Covid-19 số 1032, nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 10/8, được cách ly tập trung tại trung đoàn 125, Chí Linh, Hải Dương.
Người này được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 25/8, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội từ 25/8 đến 17/9.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân 1032 được lấy mẫu làm xét nghiệm 7 lần. Trong đó, một lần cho kết quả dương tính vào ngày 26/8, 6 lần còn lại đều âm tính.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân tự cách ly ở nhà 2 tuần, chỉ tiếp xúc người nhà và bạn gái, có đeo khẩu trang. Sau khi hết thời gian cách ly, người này đi học tại Đại học Hà Nội. Thanh niên này ngồi cách 2 m với các thành viên còn lại trong lớp, hết giờ về thẳng nhà, không tới các địa điểm công cộng. M. không đeo khẩu trang trong lớp nhưng có sử dụng khi ra ngoài.
Ngày 7/11, bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội, được bác sĩ chẩn đoán sốt virus và cho về điều trị tại nhà. Ngày 14/11, bệnh nhân sốt 39 độ C, người mệt mỏi, vào khám lần 2 được đơn vị này lấy mẫu xét nghiệm gửi Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm ngày 15/11 cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.