Chuẩn bị các phương án cho mọi tình huống khi học sinh tiểu học trở lại trường

Sau khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở khu vực ngoại thành Hà Nội được đến trường, từ ngày 21/2, học sinh các khối này tại 12 quận nội thành tiếp tục được trở lại trường để học trực tiếp. Công tác chuẩn bị đang được các trường hoàn thiện, trong đó quan trọng nhất là kế hoạch xử lý những tình huống phát sinh khi những học sinh này chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Học sinh Trường tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) trong giờ học trực tiếp tại trường.

Học sinh Trường tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) trong giờ học trực tiếp tại trường.

Thầy Nguyễn Quang Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, tuần đầu tiên học sinh đến trường, nhà trường đã lên kế hoạch cụ thể để duy trì song song lớp học online và lớp học trực tiếp. “Sĩ số học sinh trong các ngày liên tục thay đổi. Ngày đầu có 93% số học sinh đến trường, các ngày sau lúc tăng, lúc giảm và đến ngày hôm nay, số học sinh là trường hợp F0, F1 phải nghỉ ở nhà học trực tuyến đang có xu hướng tăng nhẹ, do trên địa bàn trường có hai thôn có số ca F0 cao. Chính vì vậy, trường luôn phải duy trì lớp học trực tuyến và trực tiếp”-thầy Nguyễn Quang Thắng chia sẻ.

Để duy trì các lớp học trực tuyến, giáo viên của Trường tiểu học Sài Sơn A phải bố trí dạy vào buổi chiều hoặc buổi tối, sau khi kết thúc giờ dạy chính vào buổi sáng. “Mỗi khối lớp sẽ có một lớp trực tuyến dành cho những học sinh không thể đến trường. Giáo viên từng khối sẽ phân công dạy cho các em để vừa theo dõi được từng học sinh, vừa kiểm tra toàn diện các em sau mỗi buổi học. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp vẫn có thể mở zoom dạy thêm cho riêng học sinh lớp mình tùy theo đánh giá chất lượng học sinh của mình để bảo đảm các em theo kịp các bạn được học trực tiếp trên lớp”-thầy Thắng cho biết.

Trước câu hỏi liệu giáo viên có quá tải hay không khi vừa phải dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến, bên cạnh đó lại phải làm công tác chống dịch, theo dõi sức khỏe học sinh, trao đổi với phụ huynh…, thầy Thắng thừa nhận, cán bộ, giáo viên các trường học thời điểm này đều căng thẳng và vất vả. “Dù không có thêm khoản bồi dưỡng cho việc dạy học “hai trong một” nhưng các giáo viên đều hiểu rằng cần có sự chung tay, chia sẻ với xã hội trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này, hơn nữa với trách nhiệm bảo đảm chất lượng dạy học của tập thể lớp đã được đăng ký từ đầu năm học với nhà trường, các thầy cô đều tự có kế hoạch và sắp xếp tốt nhất cho học sinh của mình”-thầy Thắng nhấn mạnh.

Tại huyện Ba Vì, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Phùng Ngọc Oanh cho biết, hơn 26 nghìn học sinh tiểu học của 34 trường trên địa bàn huyện đã được đến trường. Trước đó, do diễn biến dịch phức tạp, từ ngày 14/2, học sinh tiểu học và lớp 6 của huyện mới được đến trường. Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trong sáng ngày đầu đến trường học trực tiếp, có 15.128 học sinh tiểu học đi học trực tiếp, đạt tỷ lệ: 95,25%. Học sinh THCS đi học trực tiếp là 9.371 em, đạt tỷ lệ: 96,82%, học sinh lớp 10, lớp 11, lớp 12 đi học trực tiếp là 5.585 em, tỷ lệ 90,14%.

Một trong những vấn đề mà các trường phải đối mặt khi đón học sinh trở lại trường là tình huống giáo viên trở thành F0. Nếu các trường không có phương án bố trí giáo viên dự phòng, thay thế thì sẽ dẫn đến gián đoạn việc dạy học. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Phùng Ngọc Oanh cho biết, tại một số trường học có đủ nguồn giáo viên, nếu một, hai giáo viên là F0, F1 sẽ được phân công người lên lớp dạy thay, nhưng cũng có trường, do không đủ giáo viên nên sẽ phải tính đến việc học sinh đến trường học trực tiếp, nhưng phải kết nối với cô qua màn hình.

Quận Hà Đông đang triển khai diễn tập các phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại 28 trường tiểu học, khi các trường đón học sinh đi học trực tiếp vào đầu tuần tới. “Các trường học đã họp và chủ động đưa ra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi có dịch xảy ra từ trước khi có quyết định của thành phố cho phép học sinh tiểu học 12 quận nội thành đến trường. Hiện các trường liên tục cập nhật thông tin kịp thời về diễn biến dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh để phổ biến tới cán bộ, giáo viên và học sinh, tránh hiện tượng hoang mang lo lắng khi cho con em đi học trở lại”-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.

Một trong những vấn đề mà các nhà trường và phụ huynh đang quan tâm hiện nay là việc không tổ chức bán trú cho học sinh. Điều này gây không ít khó khăn cho phụ huynh. “Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, nhưng với học sinh tiểu học, các thầy cô cần có thời gian giúp các em thích nghi với học tập, sinh hoạt, đồng thời phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em, cho nên không thể ngay lập tức triển khai bán trú. Tôi cho rằng cần có thời gian đánh giá việc đi học của các em trước diễn biến dịch bệnh để có điều chỉnh phù hợp. Nếu thuận lợi thì các trường sẽ sớm mở lại công tác bán trú. Hiện các trường trên địa bàn quận Hà Đông đều đã hoàn thiện công tác triển khai bán trú cho học sinh, chỉ chờ đến thời điểm được phép sẽ thực hiện”-bà Hằng cho biết.

Việc học sinh tiểu học được đến trường trực tiếp có ý nghĩa rất lớn, sau hơn chín tháng các em phải ở nhà học trực tuyến. Đây cũng là nhóm đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, cho nên nhà trường cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị các phương án tốt nhất cho mọi tình huống khi đón học sinh trở lại trường. Bên cạnh đó, sự phối hợp của phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe của con, thực hiện nghiêm túc 5K, một cung đường hai điểm đến là điều rất cần thiết để bảo đảm an toàn phòng dịch trong trường học.

THẾ HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/chuan-bi-cac-phuong-an-cho-moi-tinh-huong-khi-hoc-sinh-tieu-hoc-tro-lai-truong--686070/