Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực ứng phó dịch Covid-19

Số ca mắc mới Covid-19 tại nước ta đang tăng lên trong những ngày qua. Điều mà người dân quan tâm vào thời điểm này là những giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch và công tác điều trị cho bệnh nhân. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đã chuẩn bị các nguồn lực để có thể đối phó với tình huống dịch bệnh tăng nhanh về số lượng và người bệnh nặng.

Các bệnh viện đã được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Bùi Đức Hiếu

- Hiện số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh trên toàn cầu. Xin ông cho biết thực trạng này đặt ra thách thức gì đối với công tác phòng, chống dịch của Việt Nam?

- Dịch Covid-19 đang tăng nhanh và nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta từ nhiều quốc gia là rất lớn. Do đó, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam gia tăng trong những ngày qua không phải là điều bất ngờ và tất cả đều trong kịch bản cũng như kế hoạch được dự đoán. Trong chống dịch, vấn đề giảm tỷ lệ mắc và giảm tỷ lệ tử vong luôn được đặt lên hàng đầu.

Thực tế tại nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Iran… cho thấy, dịch Covid-19 lây lan rất nhanh với số ca mắc rất lớn chỉ trong thời gian ngắn. Thậm chí, ở một số nước phát triển, có nền kinh tế vững mạnh, nhưng do giải pháp không hiệu quả ngay từ ban đầu nên đã không kiểm soát được dịch bệnh. Những bài học này cho thấy, chúng ta càng phải kiểm soát dịch thật chặt chẽ.

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đâu là giải pháp quan trọng nhất để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19?

- Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là giảm số người mắc và giảm ca tử vong. Hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19, nên việc giảm số người mắc, sẽ hầu như giảm được tỷ lệ tử vong. Khi số ca mắc bệnh không lớn, sẽ không xảy ra tình trạng các cơ sở y tế bị quá tải. Vì vậy, giải pháp tốt nhất hiện nay vẫn là ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Các biện pháp chống dịch này đang thực hiện rất tốt, là cơ sở để hy vọng đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19. Thực tế, cách làm này của Việt Nam rất phù hợp và được quốc tế đánh giá rất cao. Vì vậy, có lý do để tin rằng dịch Covid-19 ở nước ta có thể tạo ra những "đốm lửa nhỏ", nhưng không thể bùng phát thành những "đám cháy lớn".

- Cơ sở vật chất và nhân lực của ngành Y tế hiện tại có đáp ứng được trong trường hợp số lượng ca mắc Covid-19 tăng mạnh không, thưa ông?

- Việt Nam đã chuẩn bị các nguồn lực để có thể đối phó với tình huống dịch bệnh tăng nhanh về số lượng và người bệnh nặng. Riêng ngành Y tế đã chuẩn bị các nguồn nhân lực, tài lực, các trang thiết bị cũng như vật tư y tế để bảo đảm ứng phó tốt nhất với những tình huống dự kiến.

Đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam, hiện có khoảng 89.000 bác sĩ, 126.000 điều dưỡng. Trong những tình huống xấu hơn, có thể huy động khoảng 16.000 sinh viên năm cuối của các trường đại học y, dược trên cả nước để tham gia phòng, chống dịch. Về các trang thiết bị y tế, nếu dịch xảy ra ở cấp độ khoảng 3.000 người mắc, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được với số lượng máy thở và các trang thiết bị để theo dõi, điều trị cho người bệnh.

- Thành công trong điều trị hiệu quả cho 16 bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn đầu đã giúp ngành Y tế có thêm những kinh nghiệm cho việc điều trị bệnh nhân ở giai đoạn mới này như thế nào, thưa ông?

- Từ việc điều trị trong giai đoạn đầu, chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, đó là bố trí cơ sở điều trị thông khí, thoáng, mở cửa sổ để lấy khí trời. Bên cạnh đó, tập trung nâng đỡ thể trạng, điều trị các bệnh nền với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, từ đó tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi rút. Tại cơ sở điều trị cũng tăng cường nhiệm vụ khử khuẩn các dụng cụ, khu vực cách ly người bệnh để hạn chế sự lây lan, đồng thời hướng dẫn người bệnh thực hiện vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh vùng họng, miệng, giảm sự gia tăng của vi rút trong cơ thể…

Trong giai đoạn mới này đã có thêm những bệnh nhân nặng, hiện phải thở máy. Do đó, chúng tôi phải huy động thêm các chuyên gia, giáo sư đầu ngành và thực hiện hội chẩn trực tuyến để đưa ra những giải pháp kịp thời trong điều trị cho người bệnh.

- Để phòng dịch bệnh trong giai đoạn này, lời khuyên của ông đối với người dân là gì?

- Trước tiên, mỗi người hãy tuân thủ những hướng dẫn, quy định, như: Hạn chế đi du lịch nước ngoài, hạn chế đến những nơi đông người. Nếu bắt buộc phải đến những nơi đông người, nhất là khi sử dụng các phương tiện công cộng: Máy bay, xe buýt…, mọi người phải thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... Khi thấy người thân, hay hàng xóm bị ho, sốt, khó thở…, có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hãy khuyên họ đến các cơ sở y tế hoặc thông báo cho y tế địa phương. Người dân chỉ nên theo dõi những thông tin chính thống và chúng tôi cam đoan tất cả những thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra là hoàn toàn công khai, minh bạch và chính xác.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, mỗi người dân nên tăng cường rèn luyện thân thể, tập thể dục, có chế độ ăn uống, vệ sinh sạch sẽ, ăn sạch, uống sạch; nên rửa tay, súc miệng thường xuyên; thực hiện khai báo y tế. Những ngày qua đã có hơn 100.000 lượt người thực hiện khai báo y tế điện tử. Đây là cơ sở dữ liệu y tế rất tốt cho ngành Y tế để quản lý được sức khỏe của người dân trong thời điểm dịch này, đồng thời có thể xác định được khu vực, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh, từ đó có can thiệp kịp thời và cần thiết.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/961944/chuan-bi-day-du-nguon-luc-ung-pho-dich-covid-19