Chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp đón nhà đầu tư

Trong quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 35 KCN. Hiện Đồng Nai đã có 31 KCN đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy là 81%. Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030, Đồng Nai sẽ bổ sung thêm diện tích đất phát triển KCN để đón các cơ hội thu hút đầu tư.

Phát triển thêm KCN đón nhà đầu tư

Đồng Nai là một trong những địa phương có hoạt động công nghiệp phát triển nhất cả nước nên việc mở rộng, quy hoạch thêm các KCN là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

 Các KCN Đồng Nai sẵn sàng hạ tầng để thu hút đầu tư

Các KCN Đồng Nai sẵn sàng hạ tầng để thu hút đầu tư

Từ đầu năm đến tháng 7/2020, Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 167,7 triệu USD; điều chỉnh 271 dự án FDI, trong đó có 53 lượt dự án thực hiện điều chỉnh tăng vốn là 479 triệu USD. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án trong nước với vốn đầu tư 1.085 tỷ đồng. Tính đến nay hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN Đồng Nai đạt 60% chỉ tiêu đặt ra của năm 2020 (1,1 tỷ USD).

Đồng Nai hiện có 35 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 12 ngàn ha. Trong số này có 31 KCN đã thành lập và đang hoạt động, 1 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng là KCN công nghệ cao Long Thành. Hiện nay, tỷ lệ đất cho thuê tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt 81% diện tích. Tính về hiệu quả, việc phát triển KCN đối với Đồng Nai mang lại hiệu quả rất nhanh.

Đánh giá của Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho thấy thời gian qua, một số tập đoàn nước ngoài lớn muốn đầu tư vào các KCN của tỉnh và cần diện tích đất cho thuê từ 100- 300ha để xây dựng nhà xưởng và đưa thêm nhiều DN nhỏ qua để cung cấp đầu vào cho sản xuất. Tuy nhiên, các KCN của tỉnh hiện không còn khu nào đủ diện tích lớn như trên để giới thiệu. Do quỹ đất cho công nghiệp có hạn, các KCN mở rộng, đầu tư mới còn vướng thủ tục, bồi thường nên đã bỏ qua nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, khi rà soát lại định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn trong thời gian tới, phát triển công nghiệp vẫn là thế mạnh của tỉnh. Từ định hướng đó, Đồng Nai đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch phát triển KCN Việt Nam giai đoạn 2020 thêm các KCN mới trên địa bàn tỉnh gồm: KCN đô thị dịch vụ Long Đức, KCN đô thị dịch vụ Long Thành và KCN đô thị dịch vụ Cẩm Mỹ. Tổng diện tích của 3 KCN được kiến nghị bổ sung quy hoạch là hơn 6,8 ngàn ha.

Cả 3 dự án đều đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp và Chính phủ đã thống nhất với đề xuất này. Hiện nay, các nhà đầu tư cũng đã lập đề xuất dự án đầu tư trình UBND tỉnh thẩm định, về cơ bản đáp ứng các điều kiện để phát triển KCN theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, các vị trí để mở thêm 3 KCN mới giúp địa phương thực hiện tốt hơn quy hoạch phát triển nhằm tận dụng lợi thế khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai xây dựng.

Hoàn thiện kết nối hạ tầng

Là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, hiện nay nhiều dự án đường cao tốc mới cũng đang được triển khai thực hiện như Bến Lức - Long Thành; Dầu Giây - Phan Thiết cùng với đó là hệ thống các tuyến đường vành đai 3, 4. Đặc biệt, sân bay Long Thành theo dự kiến cũng sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2021 và dự kiến giai đoạn 1 sẽ đưa vào khai thác trong năm 2025. Đây là điều kiện rất thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào các KCN.

Trong những năm gần đây, Đồng Nai thu hút đầu tư vào các KCN có sự chọn lọc kỹ nên những dự án thu hút được đều đáp ứng các tiêu chí có công nghệ hiện đại. Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị tỉnh từ chối. Thời gian qua, các DN trong KCN cũng từng bước thay đổi các loại máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất để tăng công suất, giảm lao động và bảo vệ môi trường tốt hơn.

Việc sớm triển khai các dự án KCN mới sẽ giúp địa phương đảm bảo được quỹ đất cho thu hút đầu tư, đón làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch Covid-19 và chủ trương ưu tiên quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuan-bi-ha-tang-khu-cong-nghiep-don-nha-dau-tu-142812.html