Chuẩn bị ''hành trang'' trước khi ra nước ngoài làm việc

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp không ít khó khăn. Trong khoảng thời gian này, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội luôn đồng hành với người lao động, còn người lao động chủ động củng cố trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhằm chuẩn bị 'hành trang' tốt nhất trước khi ra nước ngoài làm việc.

Người lao động học nghề hàn tại Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lao động SONA.

Chủ động biến khó khăn thành cơ hội

Chị Nguyễn Thị Vân, tổ dân phố 6, thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, cuối năm 2019, chị quyết định học ngoại ngữ để đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Đến khi chuẩn bị ra nước ngoài làm việc thì dịch Covid-19 bùng phát, lan nhanh, khiến nhiều nước phải tạm dừng tiếp nhận lao động. Trong bối cảnh này, thay vì hoang mang, lo lắng, chị Vân coi đó là cơ hội để bản thân trau dồi kiến thức, kỹ năng.

“Qua tìm hiểu tôi được biết, thị trường Đài Loan tuyển dụng lao động có tay nghề với các nghề may mặc, cơ khí, đúc ép, tiện, mộc…; đồng thời tuyển lao động không yêu cầu trình độ tay nghề với các nghề nông nghiệp, thủy sản… Vì có nhiều thời gian chuẩn bị, nên ngoài việc học ngoại ngữ để đi làm nghề nông nghiệp như kế hoạch ban đầu, hiện nay, tôi đã đăng ký học nghề may mặc với mong muốn có việc làm tốt hơn”, chị Nguyễn Thị Vân bày tỏ.

Tương tự, anh Trần Công Hiếu, thôn Vân Trai, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) cho biết: “Thời gian vừa qua, tôi tập trung học tiếng Nhật cho tốt trước khi sang Nhật Bản làm việc. Hiện nay, Nhật Bản đã nhận hồ sơ xin cấp mới thị thực xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam, nên những người có nhu cầu đi làm việc tại thị trường này đã có thêm cơ hội việc làm. Với sự chuẩn bị kỹ càng cả về tay nghề và kỹ năng giao tiếp, tôi tin bản thân có thể đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Ngoài những trường hợp đã nêu, từ đầu năm 2020 đến nay, người lao động trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài chưa thể xuất cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chủ động học ngoại ngữ, học nghề. Sự chuẩn bị chu đáo này được kỳ vọng sẽ giúp người lao động rộng mở rộng cơ hội có việc làm khi hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sôi động trở lại.

Đồng hành với người lao động

Nhằm đưa người lao động đi làm việc tại những thị trường uy tín, trong những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn Hà Nội quan tâm, định hướng cho người lao động học ngoại ngữ, học nghề trước khi xuất cảnh. Theo đó, nhiều đơn vị được cấp phép, tạo điều kiện để đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho lực lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Trong bối cảnh có dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo nghề cho nhóm học viên đặc thù này cũng bị ảnh hưởng nặng nề, song, không vì thế mà bỏ mặc người lao động. Ngược lại, người lao động luôn có sự đồng hành từ nhiều phía.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lao động SONA (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) cho hay, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận, đào tạo các nghề phổ biến là hàn, xây dựng, điện và dạy kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho hơn 1.000 lượt học viên. Hoàn thành chương trình đào tạo, đa số người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khu vực Trung Đông. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng học viên đăng ký học ngoại ngữ, học nghề rất ít, nhưng mọi hoạt động của trung tâm vẫn được duy trì. “Bất cứ khi nào người lao động cần, chúng tôi sẽ có các hoạt động hỗ trợ. Mới đây, chúng tôi đã mở lớp học tiếng Nhật, thu hút hơn 30 học viên theo học”, bà Nga chia sẻ.

Cùng với hình thức đào tạo trực tiếp, Công ty Đào tạo nghề xuất khẩu lao động (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) còn giảng dạy trực tuyến các môn ngoại ngữ cho những học viên có nhu cầu. Với uy tín đã được khẳng định, dù thị trường gần như đóng băng, hiện nay công ty vẫn duy trì được 4 lớp học với gần 100 học viên.

Đáng ghi nhận hơn, các địa phương cũng luôn quan tâm đến nhóm lao động này. “Những người đáp ứng được yêu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu gặp khó khăn về nguồn vốn, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và một số ngân hàng thương mại”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình nhấn mạnh.

Thông qua nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tin tưởng, dù khó khăn, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn có thể hoàn thành kế hoạch đề ra với tổng số 3.500 người ra nước ngoài làm việc trong năm 2020.

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/978263/chuan-bi-hanh-trang-truoc-khi-ra-nuoc-ngoai-lam-viec