Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho đổi mới
Như báo GD&TĐ đưa tin, khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian 1 năm cho việc thực hiện Chương trình và sách giáo khoa mới; đồng thời đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.
Quyết định này lập tức đã nhận được sự đồng tình cao của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo trong cả nước.
Nhận thức thuận lợi và khó khăn
TS Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho rằng việc Chính phủ đồng ý lùi thời gian triển khai đại trà Chương trình mới vào năm học 2019 - 2020 chính là để địa phương có thời gian chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện và tổ chức tập huấn đội ngũ.
Theo TS Phạm Văn Hùng, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có nhiều thuận lợi, nhưng bên cạnh đó còn không ít khó khăn. Những yếu tố thuận lợi được TS Phạm Văn Hùng nhấn mạnh là Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT có quyết tâm lớn, ban hành nhiều văn bản quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác đổi mới; nhân dân, xã hội, đội ngũ cán bộ nhà giáo có sự đồng thuận cao. Đã có sự đánh giá và nhận thức rõ về sự quá tải, lạc hậu, không đáp ứng của chương trình hiện hành, cần phải có một chương trình mới. Nhiều nội dung đổi mới GDPT đã được Bộ GD&ĐT tổ chức triển khai.
Tuy nhiên, TS Phạm Văn Hùng cũng cho rằng, đổi mới chương trình GDPT trong thời gian qua về mặt kỹ thuật chưa thật mạch lạc, thống nhất. Điều kiện tổ chức thực hiện Chương trình mới còn thiếu nhiều và không đồng bộ. Cụ thể, năng lực nghề nghiệp của một bộ phận đội ngũ còn yếu, động lực đổi mới, sáng tạo và tự học, tự bồi dưỡng không cao, khả năng chuyển đổi và thích ứng chậm.
Đội ngũ giáo viên hiện tại được đào tạo đơn môn, trong lúc đó yêu cầu của dạy học mới là dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Nhiều loại hình giáo viên còn thiếu hoặc chưa có: Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; giáo viên tư vấn hướng nghiệp; giáo viên dạy bộ môn “Giáo dục kinh tế và pháp luật”; giáo viên nghệ thuật (THPT); giáo viên ngoại ngữ 2.
Biên chế giáo viên được phân bổ gần như cố định theo quy mô lớp học sinh, trong lúc đó học sinh đăng ký học tự chọn là một biến số…; Khả năng xây dựng tổ hợp môn học từ các nhóm môn học tự chọn và chuyên đề của nhiều trường đảm bảo tính khoa học không cao.
Khả năng chia sẻ, phối hợp giữa các trường để tổ chức dạy học tự chọn cho học sinh có nhu cầu không cao (các trường cách xa nhau, chỉ có thể được ở thành phố); Tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày và trường đạt chuẩn quốc gia thấp; phòng học, phòng thực hành - thí nghiệm, phòng bộ môn, nhà đa chức năng, sân chơi, bãi tập còn thiếu rất nhiều. Thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu chưa đảm bảo…
Một khó khăn khác được TS Phạm Văn Hùng chỉ ra, đó là nguồn lực tài chính không đảm bảo: Định mức chi cho GD-ĐT nhiều địa phương thấp; xã hội hóa giáo dục lúng túng; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa được hình thành trên thực tế. Ngoài ra, phân cấp quản lý giáo dục còn chồng chéo, thiếu thống nhất; nhiều Sở và Phòng GD&ĐT thiếu các quyền điều phối, quản lý quan trọng về con người và tài chính.
Hiệu quả chỉ đến khi các điều kiện đã sẵn sàng
Đưa ra một số kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về vấn đề này, TS Phạm Văn Hùng cho rằng: Cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới chương trình GDPT. Cùng với đó, quan tâm đặc biệt đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Cần khảo sát, đánh giá, phân loại đội ngũ để có giải pháp đào tạo lại, bồi dưỡng phù hợp.
Đối với đào tạo: Triển khai chủ trương đại học hóa trong đào tạo giáo viên tiểu học, THCS (dừng đào tạo giáo viên tiểu học, THCS trình độ cao đẳng). Các trường cao đẳng sư phạm từng bước có sự chuyển đổi, tập trung đào tạo giáo viên mầm non trình độ CĐ; khẩn trương đào tạo các loại hình giáo viên mới theo Chương trình mới.
Đối với bồi dưỡng giáo viên đổi mới chương trình GDPT, theo TS Phạm Văn Hùng, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, chỉ đạo, đánh giá công tác bồi dưỡng; có một chương trình quốc gia thống nhất; có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa rộng vừa sâu, vừa có lý thuyết vừa có kỹ thuật dạy học và thực hành, vừa đáp ứng các yêu cầu chung vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên.
Ban hành và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thể chế chính sách liên quan đến đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, trường học 2 buổi/ngày; phân cấp quản lý giáo dục cho Sở, Phòng GD&ĐT nhiều hơn, sâu hơn; quy định giảm sĩ số học sinh/lớp, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật triển khai Nghị định 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.
Có các chương trình đầu tư CSVC thiết bị trường học, CNTT; tái khởi động chương trình kiên cố hóa trường học; chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với việc chỉ đạo các Sở GD&ĐT viết nội dung giáo dục địa phương, TS Phạm Văn Hùng cũng nhấn mạnh cần tăng thêm thời lượng để đảm bảo sự chắc chắn việc hình thành 5 phẩm chất… “Đội ngũ là điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình... Cần tăng thu nhập cho đội ngũ; bảo lưu hưởng chế độ phụ cấp thâm niên cho đội ngũ công tác ở Sở và Phòng GD&ĐT; có chính sách tăng sức hút về tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo các trường sư phạm” - TS Phạm Văn Hùng nhấn mạnh thêm.
“Đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT công bố Chương trình GDPT tổng thể để tạo khung pháp quy cho các địa phương sớm nhập cuộc, chủ động xây dựng các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới.
Điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất - tài chính và cơ chế chính sách để thực hiện chương trình còn rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này có thể giải quyết tốt, nhưng khó có thể giải quyết nhanh trong vài ba năm, nhất là khó khăn về đội ngũ và tài chính cơ sở vật chất ở các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và miền Trung. Những khó khăn này làm chậm tiến độ triển khai đại trà và hạn chế các cơ hội lựa chọn của học sinh trong dạy học tự chọn”.
TS Phạm Văn Hùng