Chuẩn kỹ năng hệ đào tạo từ xa của HV Tài chính 'râu ông nọ cắm cằm bà kia'?

Năm 2024, Học viện Tài chính tuyển sinh hệ đào tạo từ xa 3 đợt vào tháng 3, tháng 5 và tháng 8 với tổng số chỉ tiêu lên tới 2900 sinh viên.

Học viện Tài chính được thành lập theo Quyết định số 120/2001/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tài chính Trung ương và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính.

Theo phần giới thiệu trên website, Học viện Tài chính có sứ mệnh là "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội". Học viện tọa lạc tại địa chỉ số 58 Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hiện, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình là Chủ tịch hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng là Giám đốc Học viện Tài chính.

Chỉ tiêu/ngành hệ đào tạo từ xa gấp nhiều lần chính quy

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, Học viện Tài chính tuyển sinh hệ đào tạo từ xa với 3 ngành bao gồm: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh. So với đề án tuyển sinh năm 2023 thì năm 2024 nhà trường tuyển sinh thêm ngành Ngôn ngữ Anh cho hệ đào tạo từ xa.

Theo đó, năm 2024, Học viện Tài chính tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa gồm 3 đợt trong năm (vào tháng 3, tháng 5 và tháng 8) với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cả 3 đợt là 2.900 chỉ tiêu.

 Thống kê chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa từng đợt của Học viện Tài chính năm 2024.

Thống kê chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa từng đợt của Học viện Tài chính năm 2024.

So sánh chỉ tiêu tuyển sinh các ngành của nhà trường ở hệ đào tạo từ xa và hệ đào tạo chính quy có thể thấy sự chênh lệch lớn. Cụ thể:

Ngành Kế toán, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo chính quy năm 2024 là 840 chỉ tiêu, chỉ tiêu đào tạo từ xa là 1365 chỉ tiêu (gấp hơn 1,6 lần chỉ tiêu đào tạo chính quy). Ngành Quản trị kinh doanh có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa là 1060 chỉ tiêu, gấp hơn 3,5 lần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo chính quy. Ngành Ngôn ngữ Anh có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa là 475 chỉ tiêu, gấp gần 2,4 lần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo chính quy.

Với số lượng chỉ tiêu lớn và tuyển sinh liên tục như vậy, nhiều thí sinh và phụ huynh không khỏi băn khoăn về việc Học viện Tài chính sắp xếp lớp học và giám sát đánh giá sinh viên như thế nào để đảm bảo chất lượng.

 Chênh lệch giữa chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy và hệ đào tạo từ xa các ngành năm 2024 của Học viện Tài chính. (Biểu đồ: Như Ý)

Chênh lệch giữa chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy và hệ đào tạo từ xa các ngành năm 2024 của Học viện Tài chính. (Biểu đồ: Như Ý)

Chênh lệch giữa ngưỡng xét tuyển đầu vào hệ chính quy và đào tạo từ xa

Khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định: "Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau". Do đó, sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa sẽ được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy.

Tuy nhiên, điểm chuẩn đầu vào, hình thức đào tạo, đánh giá sinh viên của hệ đào tạo chính quy và hệ đào tạo từ xa ở Học viện Tài chính có sự khác biệt khá lớn.

Cụ thể, với hệ đào tạo chính quy nhà trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Điểm chuẩn đầu vào của hệ đại học chính quy các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh năm 2024 lần lượt là 26,45 điểm; 26,22 điểm và 34,75 điểm (Tiếng Anh nhân đôi).

 Điểm chuẩn ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh tại Học viện Tài chính năm 2024.

Điểm chuẩn ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh tại Học viện Tài chính năm 2024.

Trong khi đó, với hệ đào tạo từ xa, Học viện Tài chính tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển theo hồ sơ đăng ký và không thi tuyển.

Cụ thể, điểm xét tuyển là điểm trung bình chung tích lũy ở bậc cao đẳng, đại học cộng với điểm ưu tiên đối tượng (nếu có). Điểm xét tuyển lấy đến 2 chữ số thập phân, xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu của ngành xét tuyển.

Đối với thí sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông. Tổ hợp môn xét tuyển gồm: tổ hợp môn xét tuyển 1: Toán, Vật lý, Hóa học; tổ hợp môn xét tuyển 2: Toán, Vật lý, Tiếng Anh; tổ hợp môn xét tuyển 3: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn năm lớp 12 thuộc tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên đối tượng (nếu có) theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Ngưỡng đảm bảo đầu vào tổng điểm 3 môn năm lớp 12 thuộc tổ hợp xét tuyển tối thiểu từ 15 điểm trở lên.

Như vậy, hệ đào tạo từ xa chỉ yêu cầu thí sinh xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông hoặc cao đẳng, đại học và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ từ 15 điểm. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn về tiêu chuẩn đầu vào giữa hai hệ đào tạo từ xa và hệ đào tạo chính quy của trường.

Cụ thể về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, chương trình đào tạo từ xa ngành Kế toán và ngành Quản trị kinh doanh đều nêu: "Trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy đạt 450 TOEIC hoặc tương đương; đạt trình độ bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 hoặc tương đương".

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ chương trình đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh cũng nêu: "Trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy đạt trình độ bậc 5/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 hoặc tương đương (không áp dụng đối với sinh viên quốc tế)".

 Giới thiệu về chương trình đào tạo từ xa nhưng chuẩn đầu ra ngoại ngữ Học viện Tài chính vẫn ghi rõ "trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy". (Ảnh chụp màn hình)

Giới thiệu về chương trình đào tạo từ xa nhưng chuẩn đầu ra ngoại ngữ Học viện Tài chính vẫn ghi rõ "trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy". (Ảnh chụp màn hình)

 Ngành Kế toán đề mục là chương trình đào tạo từ xa nhưng chuẩn đầu ra ngoại ngữ Học viện Tài chính vẫn ghi "trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy". (Ảnh chụp màn hình)

Ngành Kế toán đề mục là chương trình đào tạo từ xa nhưng chuẩn đầu ra ngoại ngữ Học viện Tài chính vẫn ghi "trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy". (Ảnh chụp màn hình)

 Ngành Quản trị kinh doanh đề mục là chương trình đào tạo từ xa nhưng chuẩn đầu ra ngoại ngữ Học viện Tài chính vẫn ghi "trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy". (Ảnh chụp màn hình)

Ngành Quản trị kinh doanh đề mục là chương trình đào tạo từ xa nhưng chuẩn đầu ra ngoại ngữ Học viện Tài chính vẫn ghi "trình độ ngoại ngữ của sinh viên hệ chính quy". (Ảnh chụp màn hình)

Việc chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo từ xa lại nhắc đến yêu cầu ngoại ngữ dành cho sinh viên hệ chính quy có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về tiêu chuẩn đánh giá và mục tiêu đào tạo của hai hệ. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính đồng nhất và rõ ràng trong việc xác định chuẩn đầu ra cho từng hệ đào tạo của Học viện Tài chính.

Bên cạnh đó, mặc dù giá trị văn bằng của hai hệ là như nhau nhưng chất lượng đào tạo của hệ chính quy và hệ từ xa vẫn khiến dư luận băn khoăn.

Hệ đào tạo chính quy yêu cầu sinh viên học trực tiếp, có sự tương tác thường xuyên với giảng viên và bạn học, trong khi đó với hệ từ xa, học viện đang áp dụng hình thức học tập không tập trung, giảng viên hướng dẫn sinh viên tự học thông qua hệ thống quản lý học tập.

Khoản 7, Điều 9 theo Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học quy định: Việc tổ chức đào tạo từ xa phải đảm bảo sự tương tác giữa người học với giảng viên, giữa người học với người học; bảo đảm ít nhất 4 hoạt động học tập chính: tham dự buổi học, buổi hướng dẫn, trao đổi thảo luận chuyên đề và hội thảo; học tập những nội dung từ các học liệu chính và các học liệu bổ trợ; thực hiện các hoạt động học tập và làm các bài tập đánh giá; tham vấn và đặt câu hỏi với giảng viên.

Việc áp dụng hình thức học tập này tuy tạo điều kiện linh hoạt cho người học, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo sự tương tác chặt chẽ giữa giảng viên và sinh viên cũng như giữa các sinh viên với nhau.

Về học phí hệ đào tạo từ xa, Học viện Tài chính áp dụng học phí thu theo tín chỉ, đối với ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh học phí là 670.000 đồng/tín chỉ, tương đương 86.430.000/toàn khóa/129 tín chỉ (khoảng hơn 21.600.000 đồng/năm học).

Ngành Ngôn ngữ Anh học phí là 550.000 đồng/tín chỉ, tương đương 73.700.000 đồng/toàn khóa/134 tín chỉ, (khoảng 18.425.000 đồng/năm học).

Theo Đề án tuyển sinh 2024, học phí năm học 2024-2025 chương trình chuẩn của Học viện Tài chính là 25.000.000 đồng/sinh viên/năm học.

Về chương trình đào tạo chính quy của ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh có tổng cộng 140 tín chỉ, còn ngành Ngôn ngữ Anh là 145 tín chỉ, bao gồm cả các học phần Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất. Trong khi đó, hệ đào tạo từ xa có số tín chỉ ít hơn, cụ thể:

 Tùy vào đối tượng tuyển sinh, số tín chỉ đào tạo từ xa các ngành có sự khác biệt.

Tùy vào đối tượng tuyển sinh, số tín chỉ đào tạo từ xa các ngành có sự khác biệt.

Để có thông tin khách quan về việc đảm bảo chất lượng đào tạo hệ đào tạo từ xa của Học viện Tài chính, ngày 30/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ và gửi câu hỏi tới nhà trường tuy nhiên ngày 3/10, Học viện Tài chính có văn bản gửi Tạp chí với nội dung từ chối cung cấp các thông tin liên quan.

Như Ý

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuan-ky-nang-he-dao-tao-tu-xa-cua-hv-tai-chinh-rau-ong-no-cam-cam-ba-kia-post246089.gd