'Chuẩn men' và nước mắt đàn ông

Cuộc đời không bằng phẳng, tâm lý con người khi va đập dằn xóc, tiếng khóc cũng sự thường. 'Chuẩn men' không cứ ở khóc hay cười mà ở hành xử trong cuộc đời.

Tác giả: Nguyễn Thành Công

Nam tính, người đàn ông đích thực, “chuẩn men”… chỉ đặc trưng phái mạnh đứng mũi chịu sào, đầu đội trời chân đạp đất hội các tiêu chuẩn bất thành văn một hình mẫu lý tưởng người Nam. Về điều này vẫn có chuyện để bàn.

Tôi có một ông anh rể bà con thâm niên công chức hành chính, lúc nào cũng nghiêm trang, rồi một ngày đẹp trời bà chị tâm sự với cậu em: Biết không, ổng (ông anh rể, phu quân chị) không bao giờ khóc cho dù chứng kiến cảnh xúc động tới cỡ nào ngoài đời hay trong phim. Đúng rồi, tôi ngẩn ra xác nhận thầm, đúng là anh ấy chưa từng khóc bao giờ, còn chị vợ lại dễ xúc động, có khi một tập phim lấy đi nước mắt của “bả” mấy lần đến mức có người trong nhà la vì ớn lạnh tiếng khóc trong đêm.

Hồi nhỏ tôi cũng mít ướt, con trai mà đụng chuyện buồn cũng khóc cùng tụi con gái trong lớp hay trong xóm như khi bị điểm quá kém, nêu tên trước lớp vì khuyết điểm. Rồi một lần ông cậu rầy: Con trai gì mà khóc, người ta cười, ủy mị mềm yếu lớn lên làm được gì. Nghe cũng phải.

Ảnh: st

Ảnh: st

Học Kiều, thầy giáo phân tích kỹ từng nhân vật một cách cuốn hút. Từ vẻ gian xảo phản diện của Mã Giám Sinh đến nét quân tử của Từ Hải, đương nhiên trọng tâm vẫn là nhan sắc chim sa cá lặn của chị em Thúy Kiều & Thúy Vân.

Ông giáo áp dụng cả nhân tướng học để lột tả các nhân vật. Nói theo ngôn từ bây giờ của người trẻ Từ Hải đúng là “chuẩn men” vẫy vùng ngang dọc vào ra sinh tử như không, nhân diện hàm én mày ngài oai nghi lẫm lẫm và cũng không bao giờ khóc. Thúy Kiều tựa vào Từ Hải đứng mô típ trai anh hùng gái thuyền quyên, một đằng nam tính tràn đầy một đằng liễu yếu đào tơ nữ tính.

Vậy “chuẩn men” có được khóc không? Thực ra phân biệt giới về cảm xúc khi tương tác với đời sống cũng tương đối, không ai cho rằng đàn ông vô cảm trước những mất mát tổn thương, hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Khi phân ly, chia cắt, mất mát đàn ông cũng đau đớn như ai, có điều ước lệ bất thành văn ép “người đàn ông đích thực” nén tiếng khóc trong lòng để giữ hình ảnh, khuôn mẫu, sợ tiếng ủy mị yếu đuối và có khi bị chê là đàn bà.

Anh Nguyễn Xuân Phương, một người phục vụ lâu năm trong bệnh viện tuyến tỉnh chia sẻ: Để ý thấy khi mất mát người thân phái nam ít khóc, họ quay mặt, cúi xuống nén tiếng khóc trong lòng, nhìn tội lắm,thà khóc được đỡ hơn.

Tôi có một người bạn thân từ đi học, khi người yêu chia tay nhìn tội lắm, nhà bạn gái gần quá, tiếng pháo nổ vu quy vọng vào rõ mồn một, bạn tôi khóc thành tiếng ở một góc vắng, tôi nhìn nước mắt cũng chảy trong lòng và không hề có ý rằng bạn mình yếu đuối ủy mị, con người là sinh vật hữu tình đâu phải gỗ đá, người yêu của anh đã gắn bó nhiều năm biết bao kỷ niệm giờ chia cắt sau mà không đau lòng, tiếng khóc chính đáng và nên có cho thấy bạn tôi đích thực một đàn ông đầy nhân tính, một người tốt.

Đợt bão yagi kinh hoàng mới đây hoành hành ngoài Bắc, làm báo từ xa, tôi dùng máy điện thoại gọi cho nhiều người quen biết ở vùng bão và có “dữ liệu” cảm xúc đa dạng: có giọng bình tĩnh sang sảng trấn an người gọi “không có gì đâu anh ơi!”, cũng có giọng đầy lo lắng và tiếng khóc đi cùng câu “nhìn chịu không nổi anh ơi!” của một người đàn ông. Có gì đâu mà kiêng cữ, trong Nam bao người bất luận nam nữ phụ ấu chỉ xem TV đã khóc đấy thôi.

Cuộc đời không bằng phẳng, tâm lý con người khi va đập dằn xóc, tiếng khóc cũng sự thường. “Chuẩn men” không cứ ở khóc hay cười mà ở hành xử trong cuộc đời.

Nhớ một lần nghe một bạn gái chia sẻ: hồi học sư phạm, nước mưa ngập sân trường, có nam sinh viên chịu lạnh dẫn xe cho các bạn, con gái nhìn “kết” ngay. Ngộ ra về góc nhìn “men” trong mắt người nữ. Bạn ấy nói tiếp: em quan niệm “men” ở thái độ sống, bản lĩnh, dám làm dám chịu, ý chí mạnh mẽ gánh vác gia đình, bảo bọc người mình yêu chứ không ở chỗ “họ” có khóc hay không.

Từ Hải không khóc, hàm én mày ngài, một ước lệ của thời xưa ở Phương Đông về khuôn mẫu anh hùng, đàn ông. Thời nay phái nam dùi mài sách vở, ăn nói nhỏ nhẹ “như con gái”, nhưng đứng mũi chịu sào lập nghiệp, gánh vác gia đình, ai nói họ không “chuẩn men”?

Còn nước mắt của chung con người, tính người vậy, khi buồn đau mất mát nam hay nữ cũng có quyền khóc như nhau?

Nước mắt đàn ông.

Tác giả: Nguyễn Thành Công

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chuan-men-va-nuoc-mat-dan-ong.html