17 ha rừng bị phá, thuộc tiểu khu 726, địa bàn xã biên giới Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Khu vực rừng bị phá phía Đông và phía Nam nằm kề khu dân cư thôn 3, xã Ia Dal và chỉ cách trụ sở Đảng ủy, UBND xã này hơn 6 km.
Đây là một góc của 17 ha, vừa bị đốt phá, cây trồng vẫn chưa được xuống giống; những cây gỗ lớn cháy đen nằm ngổn ngang.
Có những vị trí cây bị cưa đốt, ngã đổ dày đặc, cho thấy rừng bị triệt hạ không phải rừng nghèo
Một góc khác, cây sắn cũng chỉ mới được cắm xuống, ngay trong mùa mưa này.
Dấu vết tại hiện trường cho thấy những cây gỗ lớn, có giá trị đã bị cắt khúc, xẻ miếng vận chuyển đi nơi khác.
Nhìn từ góc khác, cũng nhận thấy trên diện tích 17 ha này, việc rừng bị phá để trồng sắn và điều, diễn ra chưa quá lâu.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia H’Drai khẳng định, diện tích 17 ha này không phải là rừng, vì đã được chuyển đổi sang trồng cao su từ nhiều năm trước, nay thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy.
Cùng quan điểm với Hạt Kiểm lâm, chính quyền xã Ia Dal và UBND huyện Ia H’Drai cũng khẳng định 17 ha bị phá không phải là rừng vì gỗ ở đây đã được tận thu hợp pháp từ rất lâu.
Thế nhưng, Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy khẳng định: 17 ha được đề cập, không thuộc quản lý của Công ty. Và với lý do tế nhị, lãnh đạo Công ty không cung cấp thêm thông tin.
Việc 17ha rừng ở xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum bị triệt hạ để lấy đất sản xuất nông nghiệp đã được Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang chỉ đạo làm rõ từ đầu tháng 6. Song gần 1 tháng trôi qua, thông tin của các đơn vị liên quan vẫn mập mờ.
Sự thật không thể phủ nhận ở đây là rất nhiều cây rừng bị triệt hạ, đốt phá tan hoang mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời./.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên